APEC sẽ duy trì đầu tư trong khu vực châu Á-TBD

APEC hoàn toàn ủng hộ và cam kết hỗ trợ các Chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm duy trì đầu tư trong khu vực.
Vụ trưởng Hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Điều phối đầu tư quốc gia Indonesia (BKPM), đồng thời là Chủ tịch cuộc họp, ông Rizar Indomo Nazaroedindi cho biết APEC hoàn toàn ủng hộ và cam kết hỗ trợ các Chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được các bên tư nhân thực hiện nhằm duy trì đầu tư trong khu vực.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bàn về các vấn đề liên quan đến đầu tư và thương mại trong khu vực, chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bali (Indonesia), ông Nazaroedindi nêu rõ CSR không còn được coi như là sự kiện từ thiện, vì nó còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và giúp cải thiện môi trường đầu tư.

Ngoài ra, CSR còn có thể giúp quản lý chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục hoạt động lâu dài trong một quốc gia.

Ông cho rằng các nền kinh tế APEC cần tập trung không chỉ vào việc bãi bỏ các quy định và nỗ lực giảm bớt các rào cản đầu tư trong khu vực, mà còn phải tìm cách duy trì hoạt động và mức độ đầu tư hiện tại của các nền kinh tế thành viên, bởi đây là một vấn đề đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái.

Là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC 2013, Indonesia sẽ làm hết sức mình để khu vực châu Á-Thái Bình Dương không chỉ ứng phó tốt hơn và trụ vững hơn trước những tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà các nền kinh tế thành viên APEC phải trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Theo ông Nazaroedindi, năm nay là lần thứ hai Indonesia đảm nhận chức Chủ tịch APEC, sau lần tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 1994 tại Bogor ở Tây Java, nơi các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua “Các mục tiêu Bogor”, nhằm đạt tự do thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển, và vào năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Để đạt được các mục tiêu này, APEC đã, đang và sẽ tập trung vào ba lĩnh vực thương mại và tự do hóa đầu tư, tạo thuận lợi cho kinh doanh và hợp tác kinh tế và kỹ thuật, trong đó Hội nghị Cấp cao APEC 2013 sẽ dành sự quan tâm ưu tiên cho việc mở rộng thương mại và đầu tư, cũng như các cải cách cơ cấu.

Là một phần trong nỗ lực của APEC để đạt được tăng trưởng bền vững với sự công bằng trong khu vực, Hội nghị Cấp cao APEC 2013 cũng sẽ tập trung thảo luận các vấn đề tài chính, an ninh lương thực, y tế, các biện pháp cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cải thiện và tăng cường kết nối khu vực thông qua gia tăng đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nền kinh tế xanh, kết nối thể chế và giao lưu nhân dân.

Trước đó, trong một phát biểu tại Jakarta ngày 4/1 vừa qua, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã khẳng định sự tin tưởng rằng APEC, dưới sự lãnh đạo của Indonesia trong năm 2013, sẽ bổ sung thêm giá trị đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và phúc lợi cho các công dân của các nền kinh tế thành viên, đồng thời không bỏ qua các nhu cầu của cộng đồng quốc tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục