APPF 30: Nghị viện và Phát triển bền vững hậu đại dịch COVID-19

Hội nghị APPF năm nay đặt mục tiêu cải thiện quan hệ hợp tác và cam kết xây dựng lại một khu vực bền vững hơn bằng cách tập trung vào sự phục hồi cân bằng, bền vững và hướng tới con người.
APPF 30: Nghị viện và Phát triển bền vững hậu đại dịch COVID-19 ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai phát biểu khai mạc hội nghị APPF lần thứ 30. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 30 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 26/10 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai, cùng sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 22 cơ quan lập pháp thành viên cùng đại diện các tổ chức quốc tế.

Đoàn Việt Nam do ông Vũ Hải Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, dẫn đầu tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan khẳng định kể từ khi mới thành lập vào đầu những năm 1990, APPF đã góp phần mạnh mẽ vào việc phát triển các mối quan hệ hợp tác hiệu quả, giao thiệp thân thiết và hiểu biết lẫn nhau giữa các nghị viện thành viên.

Ông Chuan Leekpai bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ đã được vun đắp trong suốt 30 năm qua sẽ giúp thúc đẩy các nỗ lực chung khôi phục hậu đại dịch COVID-19 để đưa khu vực trở lại tăng trưởng và thịnh vượng.

Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai cũng chia sẻ với việc thông qua chủ đề của hội nghị năm nay là “Nghị viện và Phát triển bền vững hậu đại dịch COVID-19”, các nghị viện thành viên APPF đều có chung nhận thức rằng đại dịch COVID-19 đã tác động vượt xa một cuộc khủng hoảng y tế.

COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hầu khắp mọi khía cạnh của cuộc sống người dân, cản trở nghiêm trọng tới việc đạt được Các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) trong những năm còn lại của “Thập kỷ Hành động” của Liên hợp quốc (LHQ).

[Tăng cường hợp tác Nghị viện APPF hướng tới một châu Á-TBD thịnh vượng]

Bởi vậy, hội nghị APPF năm nay đặt mục tiêu cải thiện quan hệ hợp tác và cam kết xây dựng lại một khu vực bền vững hơn bằng cách tập trung vào sự phục hồi cân bằng, bền vững và hướng tới con người. Ông kêu gọi các nghị viện thành viên APPF cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng cả các mục tiêu phục hồi hậu COVID-19 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Chuan Leekpai nhấn mạnh: “Điều đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng APPF là phải cùng chung tay để biến khủng hoảng COVID-19 trở thành cơ hội để thực hiện các hành động tập thể vì các mục tiêu phát triển bền vững và tạo ra một môi trường khu vực hòa bình bằng cách thúc đẩy đoàn kết và sự tin cậy lẫn nhau. Là đại diện cho người dân, APPF cần hành động như một cộng đồng trong đó đặt người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.”

APPF 30: Nghị viện và Phát triển bền vững hậu đại dịch COVID-19 ảnh 2Đoàn Quốc hội Việt Nam dự APPF lần thứ 30. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)

Trong khuôn khổ hội nghị từ ngày 26-28/10, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung chính.

Thứ nhất là các vấn đề chính trị và an ninh, trong đó bàn về việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì an ninh khu vực, tăng cường an ninh mạng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và Nghị viện và quá trình phục hồi bền vững hậu COVID-19 nhằm thúc đẩy dân chủ, hoà bình và an ninh.

Thứ hai là các vấn đề kinh tế và thương mại, trong đó các đại biểu sẽ thảo luận việc thúc đẩy đa dạng hoá sinh học và kinh tế xanh vì phát triển bao trùm, tăng cường tính kết nối và nâng cao kinh tế số tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nội dung thứ ba là về hợp tác khu vực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó các đại biểu thảo luận làm rõ vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu trung hoà carbon, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng với chăm sóc sức khỏe ban đầu và thúc đẩy du lịch khu vực và hiểu biết về đa dạng văn hóa.

Bên cạnh đó, một cuộc họp của các nữ nghị sỹ APPF cũng được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị với 2 nội dung thảo luận chính là tăng quyền cho phụ nữ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai và đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ vào quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục