APPF-29: Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị nữ nghị sỹ

Phát biểu tại hội nghị, Đại diện Đoàn Quốc hội Việt Nam Lê Thu Hà nhấn mạnh "đã đến lúc lên tiếng khuyến khích QH có những hành động nhằm đạt được sự bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ."
APPF-29: Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị nữ nghị sỹ ảnh 1Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Chiều 13/12, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Hội nghị nữ nghị sỹ, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29) do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các nghị viện thành viên APPF đã tập trung thảo luận về chủ đề: "Đạt được bình đẳng giới, cách thức đảm bảo nhạy cảm giới và đáp ứng giới trong đối phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch."

Đại diện Đoàn Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thu Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao chủ đề của Hội nghị nhằm thúc đẩy vai trò bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Trong hai năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, mục tiêu bình đẳng giới đã phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới, tuy nhiên họ lại phải gánh chịu nhiều sự bất bình đẳng giới và điều này càng rõ ràng hơn trong giai đoạn dịch COVID-19. Theo đó, phụ nữ đã phải chịu tình trạng thất nghiệp và mất nguồn thu nhập, trong khi vẫn phải gánh vác việc chăm sóc gia đình khi con cái phải học tập tại nhà do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bà Lê Thu Hà nhấn mạnh nữ giới đóng vai trò quan trọng trong tiền tuyến chống lại dịch bệnh cũng như giúp phục hồi. "Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta lên tiếng khuyến khích Quốc hội có những hành động nhằm đạt được sự bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch."

Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý về bình đẳng giới thông qua Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và những luật khác cũng như đề ra chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ở từng giai đoạn khác nhau nhằm đổi mới kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

[APPF-29: Góp phần thúc đẩy hòa bình, phát triển, phục hồi sau đại dịch]

Việt Nam cũng đã tham gia những cam kết quốc tế về bình đẳng giới bao gồm Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới, Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh bình đẳng giới, chống phân biệt giới trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả chính trị, kinh tế và xã hội. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia chính trị ở Việt Nam, cơ hội tiếp cận bình đẳng hơn với tất cả các dịch vụ kinh tế-xã hội. Những hoạt động trên đã đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng và bền vững của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực và được nhiều nước, cộng động quốc tế ghi nhận.

Đoàn Quốc hội Việt Nam đã đưa ra 5 đề xuất. Theo đó, Quốc hội phải tiếp tục hành động, tập trung vào các chính sách, chiến lược phục hồi, đáp ứng yêu cầu bình đẳng giới, bao gồm vận động, khởi xướng, tranh luận, ban hành, sửa đổi luật để hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, cũng như việc thực hiện SDG số 5 về bình đẳng giới, trao quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.

Hai là, rà soát ngân sách quốc gia một cách tổng thể, dành nguồn lực để giải quyết các vấn đề bình đẳng giới, thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trong quá trình phục hồi sau COVID-19. Công việc này đòi hỏi có cách tiếp cận liên ngành và giám sát việc phân bổ ngân sách.

Ba là, tăng cường sự đại diện và sự tham gia của các nữ đại biểu Quốc hội nhằm thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong quá trình ra quyết định của Quốc hội; pháp luật phải đáp ứng vấn đề về giới; giám sát hành động của Chính phủ đối với đại dịch từ góc độ giới.

Bốn là, tăng cường hợp tác nghị viện với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), các tổ chức quốc tế và giữa các thành viên APPF để chia sẻ kinh nghiệm và bài học nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, cách tiếp cận nhạy cảm giới và phản ứng với giới để ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch.

Năm là, khuyến khích xây dựng kiến thức và hiểu biết chung giữa các đại biểu Quốc hội từ các quốc gia khác nhau về tác động của COVID-19 đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Tại hội nghị, các nghị viện thành viên APPF đều thống nhất, trong vòng 2 năm qua, mục tiêu bình đẳng giới đã phải đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch COVID-19, khi nhiều phụ nữ bị mất việc làm, giảm thu nhập, mang trên vai gánh nặng khi phải chăm sóc các thành viên trong gia đình mắc COVID-19 và con cái học trực tuyến tại nhà; các vụ bạo lực về thể chất và tinh thần trong gia đình đối với phụ nữ, trẻ em gái gia tăng.

Từ thực tế này, hội nghị kêu gọi cần phải thúc đẩy các hành động của các Quốc hội để đạt được bình đẳng giới, nhạy cảm giới và cách tiếp cận đáp ứng giới trong khắc phục hậu quả đại dịch.

Liên quan đến các nội dung được thảo luận tại Hội nghị nữ nghị sỹ, Quốc hội Việt Nam đồng bảo trợ 2 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về việc đạt được bình đẳng giới thông qua tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ và Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó COVID-19 đảm bảo yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục