APRSAF-28: Kết nối các cơ hội phát triển không gian vũ trụ ở Việt Nam

APRSAF-28 là cơ hội để kết nối và mở ra các mối quan hệ hợp tác cũng như nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và ứng dụng trong khu vực.
APRSAF-28: Kết nối các cơ hội phát triển không gian vũ trụ ở Việt Nam ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị Diễn đàn các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 28. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 17/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Diễn đàn các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 28 (APRSAF-28).

Hội nghị do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) phối hợp với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đồng tổ chức.

Với chủ đề "Kết nối các cơ hội đổi mới trong lĩnh vực không gian hướng tới tương lai bền vững và thịnh vượng," đây là hội nghị liên quan đến không gian lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức hàng năm với sự góp mặt của các cơ quan vũ trụ, cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế, công ty tư nhân, trường đại học và viện nghiên cứu từ hơn 40 quốc gia và khu vực.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư-Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết sự phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ trong thập kỷ gần đây cùng với sự tham gia không chỉ của Chính phủ mà còn các tập đoàn tư nhân và các công ty khởi nghiệp đã làm cho ngành công nghệ vũ trụ - lĩnh vực khoa học tiên tiến bậc nhất hiện nay hiện diện sâu và rộng hơn trong đời sống xã hội thế giới. 

Dẫn Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc năm 2020, ông Châu Văn Minh cho rằng khoa học, công nghệ và dữ liệu không gian có những đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp nhất định trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở các quốc gia trên thế giới.

Giáo sư Châu Văn Minh hy vọng những kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ sẽ được chia sẻ, thảo luận tại sự kiện để cùng tiếp tục hợp tác xây dựng một cộng đồng không gian mạnh mẽ, đoàn kết trong khu vực, đối phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu trong những thập kỷ tới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia trong khu vực.

APRSAF-28: Kết nối các cơ hội phát triển không gian vũ trụ ở Việt Nam ảnh 2Giáo sư - Viện sĩ Châu Văn Minh phát biểu khai mạc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Tổng Giám đốc VNSC - Phó giáo sư Phạm Anh Tuấn, sự tham gia của các bên trong lĩnh vực vũ trụ sẽ giúp nâng cao hoạt động của lĩnh vực này cũng như tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của ngành vũ trụ trong tương lai.

[Vệ tinh Việt Nam sẽ được Nhật Bản phóng lên quỹ đạo trước tháng 3/2022]

Do vậy, năm nay, để thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ, APRSAF có sự tham gia của một số công ty tư nhân đến từ Nhật Bản, Việt Nam, Anh, Pháp và Đài Loan (Trung Quốc) trong khu vực triển lãm.

"Tốc độ thay đổi của thế giới chúng ta đang tăng nhanh, giống như nhiều cộng đồng khác, cộng đồng không gian đang nỗ lực hết sức để hợp tác trong chính cộng đồng và với các tổ chức, thực thể khác để đối phó với tình hình mới. Tôi mong muốn được thấy nhiều dự án và hợp tác hơn trong APRSAF và giữa các khu vực," ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

APRSAF-28: Kết nối các cơ hội phát triển không gian vũ trụ ở Việt Nam ảnh 3Tổng Giám đốc VNSC Phạm Anh Tuấn tại sự kiện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

APRSAF-28 là cơ hội để kết nối và mở ra các mối quan hệ hợp tác đa phương/song phương giữa các đơn vị tham gia cũng như nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và ứng dụng trong khu vực.

Sự kiện bao gồm phiên họp của các nhóm làm việc và phiên họp toàn thể với các chủ đề "Thách thức ứng dụng vệ tinh cho đổi mới không gian ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" và "Tạo môi trường cho sự đổi mới để hiện thực hóa một tương lai bền vững và thịnh vượng," bàn tròn các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương và các hoạt động liên quan khác. 

APRSAF-28 tập trung vào hai mục tiêu chính: Chia sẻ, cập nhật thông tin về các hoạt động vũ trụ và kế hoạch tương lai của từng quốc gia và khu vực châu Á -Thái Bình Dương; thảo luận và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế giữa các thành viên của APRSAF./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục