Argentina mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học tại Nam Cực

Argentina sẽ hợp tác tổng thể cả trong lĩnh vực khoa học, hậu cần và ngoại giao với các nước ở châu Nam Cực, đồng thời hướng tới bảo vệ quyền lợi của quốc gia này tại khu vực này.
Argentina mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học tại Nam Cực ảnh 1Những tảng băng khổng lồ tại Nam Cực. (Nguồn: AP/TTXVN)

Ngày 12/1, Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra thông báo Chiến dịch Mùa Hè Nam Cực năm nay của nước này đã khởi động hôm 9/1 vừa qua, tập trung chủ yếu vào việc mở rộng hợp tác với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở châu lục này.

Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires dẫn lời Ngoại trưởng Malcorra khẳng định chương trình nghiên cứu khoa học tại Nam Cực được triển khai trong suốt hơn một thế kỷ qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với Argentina.

Đây là lợi ích quốc gia cũng như chính sách mà Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri theo đuổi.

Theo bà Malcorra, dự án này là thách thức lớn đối với Argentina bởi đòi hỏi có sự hợp tác tổng thể cả trong lĩnh vực khoa học, hậu cần và ngoại giao, hướng tới bảo vệ quyền lợi của quốc gia này tại vùng Nam Cực.

Bà cho biết Buenos Aires đã phối hợp với một vài nước trong các chiến dịch trước đây và mong muốn mở rộng hơn nữa các kênh hợp tác, coi đây là giá trị chiến lược.

Ngoại trưởng Malcorra nhấn mạnh những yếu tố đặc trưng của Nam Cực, do đó nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở vùng này có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Chiến dịch Mùa Hè Nam Cực của Argentina là một trong những dự án năng động nhất trên thế giới ở khu vực này.

Argentina tham gia Hiệp ước Nam Cực từ năm 1959, nhằm đảm bảo hòa bình, thúc đẩy hợp tác khoa học quốc tế và bảo vệ môi trường. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Argentina cùng tham gia dự án này.

Chiến dịch Mùa Hè Nam Cực được thực hiện từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm kể từ năm 1904, bao gồm việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và thiết bị tại 13 trạm nghiên cứu khoa học và quan sát của Argentina tại vùng này.

Dự án này năm nay có sự tham gia của 1.800 chuyên gia, nhà khoa học và binh sĩ. Bộ trưởng Quốc phòng Julio Martínez cho biết sẽ sử dụng nhiều tàu hải quân và trực thăng trong công tác hậu cần từ thành phố cực nam Ushuaia tới căn cứ quân sự Marambio của nước này ở Nam Cực.

Argentina là một trong 47 quốc gia thành viên Hiệp ước Nam Cực, chính thức có hiệu lực từ năm 1961, với mục đích nghiên cứu khoa học. Văn bản này nghiêm cấm các hoạt động quân sự tại châu lục này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục