Tay đua gian lận nhất lịch sử môn đua xe đạp Lance Armstrong cho biết trong cuộc phỏng vấn mới nhất với Oprah Winfrey rằng anh muốn chơi thể thao cạnh tranh trở lại và nguyên nhân của lời thú tội mới đây đến từ năm đứa con của anh. Anh cho biết rằng “niềm hi vọng và động lực lớn lao nhất là vì tương lai của các con tôi.” Đây là những nội dung chính của cuộc phỏng vấn phần hai với bà hoàng truyền hình Mỹ Oprah vừa được phát tối 18/1 (giờ Mỹ). Trong phần đầu tiên được phát sóng một ngày trước đó, cựu ngôi sao 41 tuổi này đã lần đầu thừa nhận việc sử dụng doping để đoạt liền bảy chức vô địch Tour de France từ năm 1999 tới 2005. Sau nhiều năm liền phủ nhận, thậm chí còn gọi những người chống lại anh là “lũ dối trá”, hình tượng của Armstrong đã hoàn toàn sụp đổ năm ngoái khi anh bị tước toàn bộ danh hiệu Tour de France và bị Ủy ban phòng chống doping Mỹ (USADA) cấm thi đấu suốt đời. Anh chia sẻ: “Những đứa con lớn của tôi không nên phải sống với vấn đề này trong cả đời chúng. Sẽ thật không công bằng nếu tôi làm điều đó với chúng nên tôi đã quyết định thú nhận.” Armstrong cũng bộc bạch rằng anh hi vọng việc thú tội sẽ giúp anh được quay trở lại chơi thể thao – các môn phối hợp hoặc marathon. “Tôi là một kẻ có máu ganh đua.” Cũng trong cuộc phỏng vấn này, cựu cua-rơ đã cho biết rằng án phạt cấm thi đấu suốt đời với anh là quá nặng. Những người đồng đội cũ từng giúp Armstrong che giấu sự thật cũng bị phạt song nhẹ hơn anh: “Thú thực rằng đây không phải câu trả lời phổ biến lắm, nhưng tôi thực lòng nghĩ mình xứng đáng nhận án phạt.” “Tội của tôi đáng bị trừng trị, song tôi không chắc mình đáng bị cấm thi đấu suốt đời.” Khi Winfrey hỏi về việc anh cảm thấy ra sao khi giờ đây mọi bài báo viết về anh đều kèm theo những dòng chữ “tay đua bị phế ngôi” hay “nỗi ô nhục,” Armstrong cho biết rằng anh nghĩ điều đó cũng hợp lý. “Tôi cảm thấy xấu hổ, đó là một điều xấu xa. Tôi rất xin lỗi về những gì mình đã làm. Tôi có thể nói điều đó hàng ngàn lần song cũng chẳng đủ để lấy lại thanh danh.” Chương trình phỏng vấn đầu tiên hôm 17/1 đã có số lượng người xem kỉ lục 3,2 triệu chỉ tính riêng tại Mỹ. Đây là chương trình được xem nhiều thứ hai trong lịch sử kênh OWN do Winfrey làm chủ. Song phần đầu vẫn thiếu đi những động cơ và cách thức mà Armstrong đã gian lận, cũng như không cho thấy anh tỏ ra hối hận. Phần hai đã cho thấy nhiều cảm xúc hơn hẳn tới từ nhà vô địch một thời này. Mắt của Armstrong đã hoe đỏ và giọng của anh chỉ chực vỡ òa khi tả về khoảnh khắc anh phải nói với cậu con trai Luke 13 tuổi: “Đừng bảo vệ bố nữa.” Sau một thời gian, tin dữ đã đến với các con của Armstrong và anh đã phải nói sự thật với các con.
Lance Armstrong mắt đỏ hoe khi kể về chuyện mình đã nói với các con rằng đừng bảo vệ bố nữa (Nguồn: OWN)
“Khi mọi thứ bắt đầu lan ra, tôi thấy con trai tôi đứng ra bảo vệ mình và nói: ‘Đó không phải sự thật. Những gì các người nói về cha tôi là không đúng.’” “Đó là lúc tôi biết mình phải nói với nó, mặc dù nó không bao giờ hỏi tôi. Nó không bao giờ nói ‘Bố ơi, đó có phải sự thật không?” “Thằng bé đã tin tưởng vào tôi.” Anh cũng hồi tưởng lại những ngày tháng đen tối năm ngoái, khi USADA tung ra bản cáo trạng hàng nghìn trang chống lại Armstrong. Điều đó đã buộc anh phải rời bỏ chức chủ tịch quỹ ung thư Livestrong do chính anh sáng lập và sau đó rút khỏi cả ban giám đốc. “Tôi không thể nói rằng mình đã bị đuổi ra bởi tôi đã nhận thức trước được sức ép.” “Đó là điều tốt nhất cho tổ chức song việc phải ra đi khiến tôi đau đớn khủng khiếp. Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất.” Anh cũng chia sẻ về vấn đề tài chính, khi các nhà tài trợ, nhất là ông lớn Nike lần lượt rũ bỏ thương hiệu Armstrong. “Chỉ trong khoảng hai ngày hoặc một ngày rưỡi, tất cả mọi người đã đi hết. Tôi đã mất 75 triệu USD chỉ trong một ngày.” Sau khi thú nhận sự thật, giờ đây Armstrong sẽ phải đối đầu với nhiều vụ kiện tụng. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hiện đang cân nhắc liệu có nên tiếp tục vụ kiện Armstrong do cựu đồng đội Floyd Landis khởi xướng năm 2010 hay không. Cục bưu chính Mỹ Postal Service, nơi đã từng tài trợ 30 triệu USD cho đội đua của Armstrong giờ đây cũng đang lên kế hoạch đòi lại tiền. Trong cuộc phỏng vấn lần hai, Armstrong lại một lần nữa phủ nhận việc anh đã sử dụng doping trong hai lần tái xuất Tour de France năm 2009 và 2010 bởi anh từng hứa với vợ cũ là Kristin rằng mình “sẽ không bao giờ vượt quá giới hạn nữa.” Anh cũng phủ nhận lời của chủ tịch USADA Travis Tygart về việc anh từng định tặng 250.000 USD cho tổ chức này như một cách hối lộ. “Đó không phải sự thực”, anh khẳng định và cho biết rằng việc này không hề có trong hồ sơ USADA chống lại anh./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)