Tổng thống Ecuador lo ngại Julian Assange sẽ không được xét xử công bằng ở Mỹ và nhấn mạnh cả Anh và Thụy Điển phải đảm bảo với họ sẽ không dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks sang Hoa Kỳ. Assange hiện đang tạm lánh trong đại sứ quán Ecuador ở London sau khi không còn có thể khiếu kiện về phán quyết của Anh dẫn độ ông sang Thụy Điển đối mặt với các cáo buộc xâm hại tình dục, và Quito đã cho phép ông tị nạn, làm dấy lên một cuộc tranh cãi ngoại giao. Nhà sáng lập WikiLeaks nói ông lo sợ Thụy Điển sẽ trao ông cho Mỹ, nơi ông có thể bị truy tố vì việc tiết lộ hàng trăm nghìn tài liệu mật và công hàm ngoại giao của nước này. Tổng thống Ecuador, Rafael Correa, nói ngày 29/8 trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia rằng nếu Assange bị dẫn độ sang Mỹ, “không có gì bảo đảm mọi việc sẽ diễn ra công bằng”. “Chúng tôi muốn bảo đảm một phiên tòa công bằng và quyền được sống của ông Assange, nhưng không có đảm bảo nghiêm túc và rõ ràng nào về việc không truy tố vì lý do chính trị”, ông Correa nói. Nhân vật người Australoa 41 tuổi này phủ nhận các cáo buộc xâm hại tình dục và cho rằng Washington đang tiến hành một cuộc “săn phù thủy” nhắm vào ông để bịt miệng những chỉ trích với chính sách của Mỹ. Assange ngày thứ Tư cáo buộc Thụy Điển “quẳng sự trung lập của họ vào thùng rác lịch sử” khi tham gia vào cuộc chiến do NATO cầm đầu ở Afghanistan và ủng hộ việc áp đặt vùng cấm bay năm ngoái với Libya. Những nhận xét của ông được phát lại trên đài truyền hình quốc gia Ecuador, đã tiến hành phỏng vấn Assange bên trong đại sứ quán ở London. Mỹ gọi WikiLeaks là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia sau khi tổ chức này tiết lộ các báo cáo về Iraq và Afghanistan cũng như những công hàm gây mất mặt của Bộ ngoại giao Mỹ trong năm 2010.
Assange cáo buộc Thụy Điển “quẳng sự trung lập của họ vào thùng rác lịch sử” (Nguồn: AFP)
Correa cho rằng có ba cách để giải quyết tình trạng bế tắc ngoại giao hiện nay với London: hoặc cả Anh và Thụy Điển phải đảm bảo Assange sẽ không bị dẫn độ sang một nước thứ ba; hoặc các công tố viên Thụy Điển sẽ thẩm vấn ông bên trong đại sứ quán Ecuador; hoặc nhà chức trách Anh cho phép ông rời đại sứ quán mà không bắt giữ./.
Trần Trọng (Vietnam+)