Quốc hội Australia ngày 8/12 đã chính thức thông qua đạo luật mới về quan hệ đối ngoại, theo đó chính phủ liên bang được quyền phủ quyết các thỏa thuận do chính quyền địa phương và các trường đại học ký kết với các tổ chức và chính phủ nước ngoài.
Luật về Quan hệ Đối ngoại sẽ được áp dụng đối với tất cả các thỏa thuận được ký kết giữa chính quyền các bang và vùng lãnh thổ, hội đồng địa phương và trường đại học công của Australia với nước ngoài, ngoại trừ những thỏa thuận và hợp đồng của các tập đoàn thương mại và doanh nghiệp nhà nước.
Chính quyền các bang và vùng lãnh thổ, các hội đồng địa phương và trường đại học của Australia phải hoàn thành công tác kê khai các thỏa thuận hiện có với nước ngoài trong vòng sasu tháng kể từ khi luật có hiệu lực.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết luật mới sẽ cung cấp một cơ chế để các bang, chính quyền địa phương và các trường đại học tham vấn với chính phủ liên bang về sự hợp tác quốc tế.
Bà nhấn mạnh các bang và vùng lãnh thổ của Australia đang ngày càng vươn ra nhiều hơn với thế giới, việc tăng cường hợp tác và các chiến lược phức tạp ngày càng tăng trong thế kỷ 21 mang lại rủi ro lớn hơn, đòi hỏi sự tham vấn và thẩm định nhiều hơn từ các cấp quản lý vĩ mô để đảm bảo chính quyền bang, địa phương, các tổ chức học thuật, nghiên cứu… hành động phù hợp với chính sách đối ngoại chung của liên bang.
[Australia thoát khỏi đợt suy thoái đầu tiên trong gần 30 năm]
Hiện một đơn vị chuyên trách mới thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã được thành lập để thực hiện các quy định của luật nói trên. Sau khi luật chính thức được áp dụng, hằng năm Chính phủ Australia sẽ báo cáo Quốc hội nước này về các quyết định của Bộ trưởng Ngoại giao.
Theo luật mới, Bộ trưởng Ngoại giao Australia sẽ có quyền hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào nếu xét thấy thỏa thuận đó không có lợi cho quan hệ đối ngoại hoặc không phù hợp với chính sách đối ngoại của Canberra.
Danh sách các thỏa thuận có thể bị hủy bỏ bao gồm những thỏa thuận về thành phố kết nghĩa, các bản ghi nhớ, cũng như tất cả các thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý và không ràng buộc về mặt pháp lý.
Điều này có nghĩa là thỏa thuận Vành đai và Con đường mà bang Victoria của Australia đã ký kết biên bản ghi nhớ với Trung Quốc năm 2018 và dự kiến sẽ sớm đi đến ký kết thỏa thuận có khả năng bị hủy bỏ vì Canberra cho rằng thỏa thuận này không phù hợp với lợi ích của Australia.
Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham Australia cho biết bang Victoria sẽ có ít nhất ba tháng để chứng minh cho chính quyền liên bang thấy thỏa thuận Vành đai và Con Đường phù hợp với lợi ích quốc gia của Australia cũng như đảm bảo các quy định trong Luật Quan hệ Đối ngoại vừa được Quốc hội thông qua./.