Ngày 18/9, Australia cho biết lấy làm tiếc về việc Pháp quyết định triệu hồi Đại sứ tại Canberra liên quan đến thỏa thuận an ninh giữa Australia với Mỹ và Anh.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia nói rõ: “Chúng tôi lấy làm tiếc về việc Pháp quyết định triệu hồi Đại sứ của mình tại Australia. Australia coi trọng quan hệ với Pháp… Chúng tôi mong đợi can dự với Pháp trong nhiều vấn đề cùng chung lợi ích và dựa trên những giá trị chung.”
Trước đó, Nhà Trắng cũng lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ để tham vấn, đồng thời khẳng định Mỹ muốn giải quyết căng thẳng thông qua đường ngoại giao.
[Mỹ lấy làm tiếc việc Pháp triệu hồi đại sứ để tham vấn về vụ tàu ngầm]
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Pháp “là đối tác sống còn và là đồng minh lâu đời nhất” của Mỹ, và rằng Washington “đặt giá trị cao nhất cho mối quan hệ này.”
Cũng theo ông Ned Price, Washington hy vọng sẽ thảo luận với Pháp về vấn đề gây căng thẳng hiện nay ở cấp cao trong những ngày tới, kể cả trong thời gian diễn ra phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào tuần tới.
Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Australia và Anh đang biến thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn về việc Canberra từ bỏ thỏa thuận mua các tàu ngầm của Pháp trị giá khoảng 40 tỷ USD để chuyển sang các tàu của Mỹ.
Theo lời của Ngoại trưởng Pháp Le Drian, đây là quyết định hiếm hoi của Tổng thống Macron do “tính nghiêm trọng đặc biệt” của tuyên bố do Mỹ, Anh và Australia đưa ra hôm 15/9.
Trong tuyên bố này, 3 nước thông báo sẽ thiết lập quan hệ đối tác an ninh 3 bên AUKUS ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
AUKUS cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều khiến Caberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris./.