Một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) vừa công bố phát hiện mới về một ngôi sao nhiều tuổi nhất trong vũ trụ từ trước đến nay, được cho là hình thành từ cách đây khoảng 13,6 tỷ năm.
Phát hiện về thiên thể này cho phép các nhà thiên văn học lần đầu tiên có cơ hội nghiên cứu thành phần hóa học của những ngôi sao đầu tiên trong vũ trụ.
Tiến sỹ Stefan Keller, nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn học và Vật lý học thiên thể (RSAA) thuộc ANU, cho rằng đây là phát hiện nằm trong nhóm có tỷ lệ ''một trong 60 triệu.''
Nhóm nghiên cứu do tiến sỹ Keller dẫn đầu đã tìm ra ngôi sao đặc biệt này nhờ kính thiên văn SkyMapper và được kiểm tra lại bằng kính thiên văn Magellan đặt tại Chile.
Kính thiên văn SkyMapper đặt trong khuôn viên của Đài Thiên văn Siding Spring ở gần khu vực Coonabarabran, phía Bắc bang New South Wales.
Kính thiên văn có phạm vi quan sát rộng này hiện được sử dụng nhằm mục đích tìm kiếm các ngôi sao lâu đời theo dự án xây dựng bản đồ kỹ thuật số đầu tiên về bầu trời phía Bắc.
Trung tâm kính là một máy ảnh kỹ thuật số có 268 triệu điểm ảnh (pixel) để ghi lại từng phút một khu vực bầu trời có diện tích lớn gấp 29 lần diện tích bề mặt Mặt Trăng.
Theo tiến sỹ Keller, nhờ việc ghi lại màu sắc của các ngôi sao, các nhà khoa học có thể xác định được ngôi sao nào có tuổi thọ lâu đời nhất. Ngôi sao nào càng có nhiều nguyên tố sắt thì ngôi sao đó càng trẻ.
Tiến sỹ Keller cho biết, ngôi sao mới được phát hiện có lượng sắt thấp hơn ít nhất 60 lần so với các ngôi sao khác./.