Australia: RCEP mang nhiều ý nghĩa giữa lúc thương mại toàn cầu bất ổn

Việc ký kết thỏa thuận phát đi một thông điệp thực sự mạnh mẽ và hữu hình rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn cam kết theo đuổi các nguyên tắc thương mại, mở cửa và tham vọng.
Australia: RCEP mang nhiều ý nghĩa giữa lúc thương mại toàn cầu bất ổn ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham. (Ảnh: The Guardian)

Phát biểu với truyền thông địa phương, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 10 quốc gia thành viên Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 nước Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Ông Birmingham nhấn mạnh: "Đây là một thỏa thuận có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt biểu tượng vào thời điểm bất ổn thương mại toàn cầu. Việc ký kết thỏa thuận phát đi một thông điệp thực sự mạnh mẽ và hữu hình rằng khu vực của chúng ta, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn cam kết theo đuổi các nguyên tắc thương mại, mở cửa và tham vọng."

Ông Birmingham nhấn mạnh, RCEP là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Đây là lần đầu tiên các đối tác thương mại lớn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia cùng tham gia vào một hiệp định, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thỏa thuận song phương hiện có.

Về lợi ích của RCEP đối với Australia, ông Birmingham cho biết các doanh nghiệp Australia trong các lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, y tế, kế toán, kỹ thuật và pháp lý sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Hiệp định công nhận bằng cấp và cấp phép, đồng thời cho phép các doanh nghiệp dịch vụ được hoạt động từ xa và thành lập văn phòng trên toàn khu vực RCEP.

[Truyền thông Đức đánh giá cao RCEP đối với hội nhập kinh tế châu Á-TBD]

Ông Birmingham nhận định: "RCEP sẽ giúp cho một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Australia giao dịch ra nước ngoài dễ dàng hơn nhiều. Với sự gia tăng của các nhóm thu nhập trung bình trên nhiều quốc gia RCEP, nhu cầu sẽ ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế, giáo dục và an toàn, chất lượng cao và các dịch vụ khác mà Australia có đủ khả năng cung cấp."

Bện cạnh đó, theo ông Birmingham, RCEP cũng sẽ giúp củng cố chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và thiết lập các quy tắc thương mại điện tử mới trong toàn khu vực.

Quá trình đàm phán RCEP đã bị chậm trễ nhiều năm do các bất đồng gay gắt về thuế quan và tiếp cận thị trường. Kể từ khi các cuộc thảo luận bắt đầu vào năm 2012, thời hạn cho việc hoàn tất và ký kết RCEP đã bị bỏ lỡ tới 5 lần. Sau nhiều lần đàm phán, một số thay đổi quan trọng về thuế quan đã bị đưa ra ngoài Hiệp định.

Ấn Độ đã từ chối tham gia Hiệp định do không muốn xóa bỏ trợ cấp nông nghiệp cho người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất và lo ngại hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường trong nước.

Các nước RCEP luôn nỗ lực hối thúc New Delhi quay trở lại hiệp định, song đến nay, 15 quốc gia thành viên dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận vào ngày 15/11 mà không có Ấn Độ. Mặc dù vậy, các nước RCEP vẫn bổ sung một điều khoản cho phép Ấn Độ tham gia trong tương lai.

Theo chuyên gia thương mại Jeffrey Wilson từ trung tâm Perth USAsia, trước những sóng gió của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, RCEP sẽ là hiệp định thương mại khu vực quan trọng nhất từng được ký kết và sẽ làm thay đổi bản đồ kinh tế và chiến lược của khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục