Ngày 29/9, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh Baku chính thức tuyên bố bảo vệ quyền và an ninh của người dân Armenia ở khu vực Karabakh.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn quy hoạch đô thị ở Zangilan, ông Aliyev nêu rõ: “Chúng tôi chính thức tuyên bố rằng quyền và sự an toàn của người dân Armenia ở Karabakh sẽ được bảo vệ."
Tuy nhiên, trước đó cùng ngày, hãng TASS của Nga đưa tin quân đội Azerbaijan đã bắt giữ một cựu chỉ huy lực lượng vũ trang Armenia ly khai ở vùng Nagorny-Karabakh tại một trạm kiểm soát biên giới với Armenia.
Cựu chỉ huy bị bắt là Levon Mnatsakanyan, người đã lãnh đạo quân đội của Cộng hòa Artsakh tự xưng từ năm 2015 đến năm 2018.
Theo cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (LHQ), gần 90.000 người Armenia đã trốn khỏi vùng đất ly khai này, kể từ khi Azerbaijan chiếm lại khu vực trên trong một chiến dịch quân sự chớp nhoáng vào tuần trước.
Cũng trong ngày 29/9, Văn phòng Cố vấn của Tổng thống Azerbaijan thông báo Baku dự định sẽ cho phép một nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ) tới Karabakh "trong vài ngày."
Thông báo cho biết giới truyền thông cũng có cơ hội tới Karabakh, trong bối cảnh số lượng người Armenia rời bỏ khu vực ly khai này sau cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng của Azerbaijan đã lên đến gần 90.000 trong tổng số khoảng 120.000 người dân sinh sống tại nơi đây.
[Azerbaijan cam kết đảm bảo quyền lợi của người sắc tộc Armenia]
Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Baku cho phép các giám sát viên quốc tế vào Karabakh, giữa những lo ngại về nguy cơ ngược đãi nhân quyền. Armenia cáo buộc Azerbaijan thanh lọc sắc tộc ở Karabakh, trong khi Baku kiên quyết phủ nhận điều này.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố các quyền của người Armenia ở Karabakh sẽ được tôn trọng đầy đủ, tuy nhiên "cú đấm thép" của nhà lãnh đạo này đã đẩy ý tưởng về một dân tộc Armenia độc lập ở Karabakh lùi vào dĩ vãng.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 26/9, Tổng thống Aliyev đã nhấn mạnh rằng các lực lượng của ông "chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự khi thực hiện các biện pháp chống khủng bố, vốn chỉ kéo dài chưa đầy 24 giờ và dân thường không gặp nguy hiểm"./.