Bà Clinton nêu đề xuất bảo vệ hòa bình Bắc Ireland

Theo Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Bắc Ireland có thể đánh bại các phần tử cực đoan thông qua cam kết hy sinh chính trị, thỏa hiệp.
Bắc Ireland có thể đánh bại các phần tử cực đoan vẫn đang tìm cách phá hoại nền hòa bình mong manh của mình thông qua cam kết hy sinh chính trị, thỏa hiệp và cảnh giác.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra ý kiến này tại cuộc họp báo ngày 7/12 ở thủ phủ Belfast (Bắc Ireland) trong thời gian ở thăm tỉnh thuộc Vương quốc Anh này.

Đứng cạnh giới chức ngoại giao nước chủ nhà, gồm Thủ hiến Bắc Ireland Peter Robinson và Phó Thủ hiến Martin McGuinness, bà Hillary cho rằng tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland chưa hoàn tất vì bạo lực vẫn tiếp diễn. Bà nhấn mạnh tất cả các bên liên quan ở Bắc Ireland cần phối hợp với nhau để giải quyết một cách hòa bình những thách thức liên quan mâu thuẫn phe phái.

Ông Robinson và ông Guinness đánh giá cao sự ủng hộ của Ngoại trưởng Mỹ cũng như phu quân của bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, đối với các nỗ lực của Belfast nhằm chấm dứt bạo lực phe phái kéo dài hàng thập kỷ ở khu vực này.

Ngoại trưởng Clinton thăm Bắc Ireland nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với việc củng cố tiến trình hòa bình vốn mong mạnh tại đây. Chỉ vài giờ trước chuyến thăm, cảnh sát Bắc Ireland phát hiện một quả bom trong một chiếc xe ôtô ở thành phố Londonderry.

Bắc Ireland đã trải qua 3 thập kỷ xung đột triền miên giữa những người theo đạo Tin lành, vốn ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập vào Anh, với những người Thiên chúa giáo muốn Bắc Ireland là một phần của nước Cộng hòa Ireland.

[Bạo loạn tiếp tục bùng phát tại thủ phủ Bắc Ireland]

Xung đột đã gần như chấm dứt kể từ khi thỏa thuận hòa bình được ký năm 1998 và sau đó là thỏa thuận năm 2007 về thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực giữa hai đảng chính của người Tin lành và Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, mâu thuẫn vẫn âm ỉ và bạo lực vẫn liên tục bùng phát tại Bắc Ireland, đặc biệt vào các tháng mùa Hè, khi người Tin lành tổ chức các cuộc diễu hành trên đường phố tại Belfast để kỷ niệm chiến thắng trước người Thiên chúa giáo trong trận chiến năm 1690, động thái được cho là mang tính khiêu khích mạnh mẽ các tín đồ Thiên chúa giáo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục