Ngày 29/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ giữ nguyên quyền phủ quyết đối với hiệp ước di cư của Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh khối này đang nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận về một hệ thống chia sẻ việc tiếp nhận người tị nạn đến EU.
Phát biểu trên truyền hình, ông Morawiecki cho hay tại cuộc họp của Hội đồng Liên minh châu Âu dự kiến diễn ra vào tuần tới, ông sẽ giữ nguyên quyền phủ quyết của nước này đối với vấn đề di cư bất hợp pháp.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các nước EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về cơ chế chia sẻ người tị nạn trong hội nghị diễn ra ngày 28/9 tại Brussels (Bỉ). Đức và Italy đã bày tỏ quan ngại về xu hướng gia tăng lượng người di cư trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng tại hai nước này.
Trong khi đó, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền của Ba Lan cũng chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 15/10 và một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh cử của đảng này là bảo vệ Ba Lan khỏi tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Ba Lan đã thông báo tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này cùng ngày với cuộc bỏ phiếu.
Mặc dù vậy, Ủy viên EU về vấn đề Nội vụ Ylva Johansson lạc quan về khả năng liên minh này sẽ đạt được nhất trí về cách xử lý làn sóng nhập cư trái phép mới. Bà Johansson khẳng định trong vài ngày tới, các nước EU sẽ đưa ra quyết định chính thức về cách tiếp cận chung đối với cơ chế giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, và "không có rào cản chính" nào đối với vấn đề gai góc này.
[Pháp kêu gọi đàm phán về hiệp ước di cư giữa Liên minh châu Âu và Anh]
Thông tin này được đưa ra sau khi Đức bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo thỏa thuận chia sẻ người tị nạn. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết nước này đã có được sự nhượng bộ về nội dung dự thảo và quyết định ủng hộ thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư. Ban đầu, Đức đã bỏ phiếu trắng về bản dự thảo đầu tiên mà nước này cho là khắt khe đối với một số nhóm người di cư.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Grande-Marlaska cũng xác nhận nhiều nước thành viên đã nhất trí với cách tiếp cận này, đồng thời lạc quan rằng EU sẽ đạt được thỏa thuận trong vài ngày tới.
Nếu như được thông qua, Hiệp định về di cư và tị nạn mới của EU sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia nằm ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác.
Các nước phản đối việc tiếp nhận người tị nạn, trong số đó có Ba Lan và Hungary, sẽ phải trả tiền cho các quốc gia tiếp nhận người tị nạn thay cho những nước này. Trong khi đó, EU sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển./.