Đại hội đồng LHQ thông qua Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn

Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn, với mục tiêu giảm gánh nặng cho các quốc gia đến, đã nhận được 181 phiếu thuận trên tổng số 193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Đại hội đồng LHQ thông qua Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn ảnh 1Trẻ em Libya tại một trại tị nạn ở Bani Walid. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/12, đại đa số quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn (GCR), khẳng định tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm bảo vệ người di cư và phát triển cộng đồng đón nhận người di cư.

Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn, với mục tiêu giảm gánh nặng cho các quốc gia đến, đã nhận được 181 phiếu thuận trên tổng số 193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Mỹ và Hungary bỏ phiếu chống, trong khi 3 quốc gia khác là Cộng hòa Dominicana, Eritrea và Libya bỏ phiếu trắng.

Hiệp ước này được thông qua ít ngày sau khi tại một hội nghị của Liên hợp quốc ở thành phố Marrakesh của Maroc hôm 10/12 vừa qua, hơn 150 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM, gọi tắt là Hiệp ước toàn cầu về di cư).

Hiệp ước GCM đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.

[Mega Story] Gập ghềnh lộ trình tìm đáp án cho bài toán di cư

Thông cáo báo chí nêu rõ sau 2 năm tham vấn tích cực do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) dẫn đầu, cùng sự đóng góp xây dựng của các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế, người di cư, các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp tư nhân và giới chuyên gia, Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn sẽ tạo ra nguồn hỗ trợ vững chắc hơn cho các quốc gia tiếp nhận phần lớn người di cư.

Hiệp ước thúc đẩy sự sẻ chia trách nhiệm để giúp đỡ những người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và ngược đãi. Hiệp ước cũng giúp giảm gánh nặng với các quốc gia đang phát triển hiện đang tiếp nhận khoảng 90% số người di cư, thông qua các chương trình tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất và cung cấp các dịch vụ cho người di cư cũng như các cộng đồng đón nhận người di cư.

Cũng giống như GCM, Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thay vào đó hướng tới thiết lập một khuôn khổ thực hiện với các giải pháp quy mô quốc gia và khu vực, thảo luận vấn đề tài chính và các mối quan hệ đối tác tiềm tàng cũng như việc chia sẻ dữ liệu liên quan giữa các quốc gia.

Ngoài ra, hiệp ước còn xây dựng các hệ thống giám sát tiến trình, trong đó có việc tổ chức Diễn đàn người tị nạn toàn cầu cấp bộ trưởng 4 năm một lần.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Maria Fernanda Espinosa bày tỏ tin tưởng Hiệp ước GCR dựa trên cơ sở chia sẻ gánh nặng một cách có trách nhiệm sẽ giúp "tăng cường sự hỗ trợ và bảo vệ 25 triệu người tị nạn trên toàn cầu."

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai hiệp ước này sớm nhất có thể.

Cả GCR và GCM đều được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố New York về người di cư và người tị nạn được thông qua tại Phiên họp 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2016, với mục tiêu ngăn chặn và kiểm soát tốt hơn các dòng người di cư, tị nạn trên toàn thế giới.

Hai hiệp ước này ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư và tị nạn đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi xung đột và nghèo đói ở các nước Trung Đông, châu Phi. Đến nay lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại EU.

Tại biên giới Mexico-Mỹ, hàng nghìn người di cư cũng đang chờ cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nước này phải triển khai binh sỹ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục