Ba lĩnh vực hành động chính sách đối với phụ nữ

UNCTAD khẳng định thành công trong phát triển của mỗi nước phụ thuộc vào sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của phụ nữ vào kinh tế, xã hội.
Nghiên cứu của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) khẳng định thành công trong phát triển của mỗi nước đều phụ thuộc vào sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ vào đời sống kinh tế và xã hội.

Nghiên cứu của UNCTAD, được công bố ngày 15/12, kết luận khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) sẽ không thể có tác động tích cực ở các khu vực, đặc biệt là khu vực nghèo, nếu các chính sách STI không tính đến nhu cầu và tài năng của một nửa dân số toàn cầu là phụ nữ. Các chính sách này không chỉ tính đến những tác động khác nhau của STI đến cuộc sống của nam giới và của phụ nữ mà còn phải tính đến vai trò quan trọng của phụ nữ trong tăng trưởng kinh tế.

Nghiên cứu của UNCTAD nhấn mạnh 3 lĩnh vực hành động chính sách đối với phụ nữ. Một là khoa học đối với phụ nữ trong đó phát triển khoa học công nghệ hỗ trợ sự phát triển và cuộc sống của phụ nữ. Hai là phụ nữ trong khoa học, trong đó thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học, công nghệ, giáo dục nghề nghiệp, việc làm và tư duy lãnh đạo. Ba là phụ nữ trong đổi mới, trong đó khuyến khích và ủng hộ vai trò của phụ nữ trong đổi mới, sáng tạo và kinh doanh.

Ở cấp quốc gia, các chính phủ cần đánh giá tác động của các chính sách STI đối với phát triển để đảm bảo các chính sách này mang lại lợi ích bình đẳng cho cả nam giới và phụ nữ.

Khi phát triển chính sách STI, các chính phủ cần tính đến thời gian phụ nữ phải làm việc dài trong các lĩnh vực như nông nghiệp, nước và sử dụng năng lượng, đồng thời cần mở rộng giáo dục cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh doanh để phát huy tài năng của họ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao tiêu chuẩn sống, đảm bảo phụ nữ được tiếp cận bình đẳng các nguồn tài chính, đất đai và thị trường để phụ nữ phát huy đầy đủ mọi khả năng của họ. Phụ nữ cũng cần được tham gia hoạch định chính sách STI ở mọi cấp.

Ở cấp độ quốc tế, UNCTAD kêu gọi hỗ trợ nỗ lực của phụ nữ để đưa vấn đề giới vào các chính sách STI thông qua các chương trình viện trợ; công bố và chia sẻ nghiên cứu điển hình cũng như vụ việc về các nỗ lực thành công của phụ nữ để vấn đề giới được bao gồm trong các chương trình và chính sách STI; khuyến khích các cơ quan nghiên cứu quốc gia và quốc tế phát triển quan hệ đối tác và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân hỗ trợ sự tiến bộ của phụ nữ trong STI, đặc biệt ở các nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục