Ngày 27/11, Liên minh Dân chủ-Xã hội Cơ đốc giáo (CDU-CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đã nhất trí thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hai tháng sau khi CDU-CSU giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử song không nhận được đa số phiếu để tự thành lập chính phủ.
Theo các nguồn tin đàm phán, liên đảng bảo thủ của bà Merkel và SPD đã đạt được thỏa thuận trên sau một cuộc đàm phán marathon kéo dài 17 giờ. Với thỏa thuận này, bà Merkel hy vọng có thể tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ ba vào ngày 17/12 tới.
Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, thỏa thuận trên cần phải được sự nhất trí của 474.000 thành viên SPD, và hiện nhiều người trong số này vẫn hoài nghi về việc một lần nữa liên minh với đảng của bà Merkel.
Tiến trình đàm phán thành lập chính phủ ở Đức gặp khó khăn trong suốt bảy tuần qua. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, hai trong số những vấn đề gây tranh cãi nhất là lương hưu và lương tối thiểu đã được giải quyết. Trong vấn đề lương hưu, kế hoạch được SPD đề xuất là những người từ 63 tuổi, đã đóng bảo hiểm 45 năm, có thể nghỉ hưu mà không bị khấu trừ lương hưu, ưu tiên những bà mẹ sinh con trước năm 1992. Kế hoạch này sẽ được bắt đầu áp dụng từ 1/1/2014.
Ngoài ra, từ năm 2017, sẽ có cái gọi là "lương hưu đoàn kết" ở mức 850 euro/tháng để đảm bảo cuộc sống cho những người thu nhập thấp. Trong vấn đề lương tối thiểu, hai bên nhất trí áp dụng mức 8,50 euro/giờ chung cho toàn liên bang từ năm 2015, như đề xuất của SPD./.