Ba trụ cột cho chiến lược thương mại của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương

Sau bốn năm chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tiếp cận từng phần về thương mại với châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ hiện đang đứng ngoài các hiệp định thương mại quan trọng nhất của khu vực.
Ba trụ cột cho chiến lược thương mại của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Học giả Marianne Schneider-Petsinger thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House mới đây có bài viết về cách tiếp cận mới của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chiến lược này cũng đưa ra các quy tắc cho những vấn đề thương mại mới và giải quyết các chính sách thương mại của Trung Quốc.

Sau bốn năm chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tiếp cận từng phần về thương mại với châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ hiện đang đứng ngoài các hiệp định thương mại quan trọng nhất của khu vực.

Washington cũng ở một vị trí khó khăn trong việc tái tham gia với các bên đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, an ninh và đổi mới công nghệ.

Khi Mỹ đứng bên lề, các nước và thể chế lớn khác, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng trong khu vực.

[WTO: Lạc quan thận trọng với triển vọng thương mại toàn cầu năm 2021]

Trong khi đó, hội nhập khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương đã ngày càng phát triển.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại giữa 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc được ký kết vào cuối năm 2020, và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một thỏa thuận giữa 11 quốc gia sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầy tham vọng hơn, là hai yếu tố lớn nhất của cấu trúc thương mại châu Á-Thái Bình Dương mới, và Mỹ cũng không nằm trong số đó.

Việc tham gia CPTPP vẫn có ý nghĩa đối với Mỹ, nhưng Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện tạm thời gạt các thỏa thuận thương mại ra khỏi chương trình nghị sự để ưu tiên đối phó với dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Ngay cả khi Mỹ có ý định tái tham gia, chính quyền Mỹ cũng sẽ phải giải quyết những lo ngại lâu nay về các điều khoản lao động và môi trường.

Nhưng vẫn còn một chặng đường phía trước, nếu phương pháp tiếp cận ba trụ cột có thể được áp dụng nhằm gắn kết các sáng kiến mới với nhau thành một chiến lược thương mại toàn diện và chặt chẽ của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ nhất, tham gia các thỏa thuận theo ngành cụ thể, bắt đầu với thương mại kỹ thuật số.

Trong trường hợp không có đầy đủ các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc khu vực, Mỹ nên ưu tiên các hiệp định ngành phù hợp với các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong khi các lĩnh vực như hàng hóa y tế hoặc môi trường có thể được xem xét, thì thương mại kỹ thuật số thực sự là lĩnh vực rõ ràng nhất cần tập trung.

Thỏa thuận có thể được xây dựng dựa trên các quy tắc thương mại kỹ thuật số của CPTPP và hiệp định thương mại kỹ thuật số Mỹ-Nhật năm 2019, cũng như song hành với sáng kiến hiện có về một hiệp định đa phương về thương mại điện tử.

Sáng kiến này hiện đang được Australia, Singapore và Nhật Bản dẫn đầu, đã khởi động đàm phán từ năm 2019 và hiện có 86 trong số 164 thành viên WTO tham gia.

Ấn Độ hiện không tham gia trong các cuộc đàm phán thương mại điện tử cũng như cả RCEP và CPTPP.

Mỹ biết rằng cam kết với Ấn Độ, một trong những thị trường kỹ thuật số lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới, là rất quan trọng. Nhưng điều này đòi hỏi hai nước phải giải quyết những khác biệt lớn liên quan đến luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Trong khi đó, 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và do đó có thể là đối tác tự nhiên của Mỹ trong việc thúc đẩy một thỏa thuận ngành.

Thứ hai, đưa ra các sáng kiến để tăng cường chuỗi cung ứng. Việc hợp tác với các đồng minh chủ chốt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là rất quan trọng đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng thiết yếu, chẳng hạn như dược phẩm và chất bán dẫn.

Vào năm 2020, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã khởi động “Sáng kiến khả năng phục hồi chuỗi cung ứng” cho khu vực nhưng sáng kiến này được mở cho các quốc gia cùng chí hướng và Mỹ nên tham gia.

Mỹ hiện có chung nhiều mối quan tâm về chuỗi cung ứng của nhóm, đặc biệt liên quan đến sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Nhưng quan trọng hơn, nếu sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng bao gồm Mỹ, thì các đối tác có thể sắp xếp nó chặt chẽ hơn với sự hình thành và nỗ lực của “Bộ tứ” - đối thoại bốn nước tập trung vào an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hiện là một điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, do công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã bị cuốn vào làn sóng căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cả Mỹ và Đài Loan đều sẽ được hưởng lợi nếu tăng cường hợp tác thương mại, mặc dù khó có thể đạt được một hiệp định thương mại toàn diện, và tăng cường an ninh chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn.

Thứ ba, đưa ra cách tiếp cận chiến lược và chặt chẽ đối với Trung Quốc. Một chính sách thương mại mới của Mỹ đối với Trung Quốc là cần thiết, nhưng cho đến nay, Chính quyền của ông Biden vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi ngay lập tức đối với các mức thuế mà Chính quyền của ông Trump áp đặt. Dường như Washington có khả năng yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1.

Một yếu tố trong chính sách thương mại Trung Quốc của cựu Tổng thống Trump chắc chắn đáng được duy trì và đang mở rộng, đó là sáng kiến ba bên Mỹ-Liên minh châu Âu-Nhật Bản nhằm giải quyết các chính sách trợ cấp và chính sách thương mại phi định hướng thị trường.

Sự phối hợp nhiều hơn của Mỹ với các đồng minh sẽ gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thay đổi các chính sách thương mại phi thị trường.

Nhưng một chính sách thương mại mới của Mỹ đối với Trung Quốc cũng đòi hỏi một cách tiếp cận đa phương cân bằng và thận trọng.

Một cách tiếp cận có cơ sở vững chắc là thực thi các quy định của WTO để khiến Trung Quốc tuân thủ các cam kết của mình, đồng thời tham gia với Trung Quốc để cập nhật quy tắc và cải cách WTO.

Đối với một cách tiếp cận toàn diện, hai trụ cột của chiến lược thương mại châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn cần củng cố và hỗ trợ chiến lược thương mại mới của Mỹ đối với Trung Quốc.

Nhưng chắc chắn, điều này liên quan đến việc điều hướng các mối quan hệ phức tạp và quan hệ thương mại mạnh mẽ mà nhiều đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có với Trung Quốc.

Tóm lại, việc đưa ra một chiến lược tập trung vào ba trụ cột liên kết này mang lại nền tảng vững chắc cần thiết để chuyển đổi thành công chính sách thương mại của Mỹ trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục