“Súng đạn, đòn roi của kẻ thù đã không thể làm gục ngã Võ Thị Thắng - người chiến sỹ cách mạng kiên trung với ‘nụ cười chiến thắng.’ Gần 46 năm đã qua, chúng ta đã, đang và sẽ còn mãi nhắc nhớ câu chuyện về người con gái Long An với nụ cười, câu nói đi vào lịch sử dân tộc,” Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Tâm nghẹn ngào nhớ về người đồng đội năm xưa.
Trong ký ức đồng đội
Người anh hùng ấy chia sẻ, khi nghe tin bà Võ Thị Thắng qua đời, bà và các đồng đội không khỏi bàng hoàng.
“Gần đây, chúng tôi được biết, sức khỏe của Thắng yếu đi nhiều. Đó là hậu quả của những trận đòn roi năm xưa kẻ thù tra tấn Thắng. Dẫu có những dự cảm chẳng lành nhưng chúng tôi vẫn thầm mong Thắng có thể kiên cường vượt qua như đã bao lần Thắng đối đầu và chiến thắng kẻ thù hung bạo trong thời chiến. Thế nhưng, đời người không ai tránh được vòng ‘sinh, lão, bệnh, tử,’ niềm hy vọng ấy của chúng tôi đã không thành,” bà Tâm ngậm ngùi rồi lặng đi trong tiếng nấc nghẹn.
Nhớ về người đồng đội Võ Thị Thắng, bà nhớ nhất nụ cười rạng rỡ và đôi mắt sáng, đầy vẻ quyết đoán.
“Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi và Võ Thị Thắng bị giam ở nhà tù Côn Đảo. Trong số những tù binh chính trị khi đó, bọn quản giáo, cai ngục đặc biệt chú ý đến Võ Thị Thắng. Chúng bảo, ở tòa án, Thắng tỏ ra ngạo mạn bao nhiêu thì vào đây sẽ phải trả giá cho điều đó bấy nhiêu,” bà Tâm kể.
Bà Tâm nhớ lại, trở về sau những trận đòn roi tra tấn, người cựu tù chính trị Võ Thị Thắng mang vết thương khắp cơ thể, máu đỏ loang khắp quần áo. Thế nhưng, đáp lại những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, bà Võ Thị Thắng vẫn giữ nguyên lập trường, quyết không để lộ thông tin.
“Có những lần, nhìn Thắng, chúng tôi tưởng Thắng sẽ không thể qua khỏi bởi những vết thương quá nặng, cơ thể bầm dập. Thế nhưng, Thắng vẫn kiên cường. Những lúc sức khỏe khá hơn một chút, Thắng luôn nhường chỗ tốt hơn, chút đồ ăn, thức uống ít ỏi cho đồng đội, để tất cả cùng có sức tiếp tục chiến đấu,” bà Tâm hồi tưởng trong tiếng nấc nghẹn.
Sống cùng lịch sử dân tộc
Biết tin bà Võ Thị Thắng về tổ tiên và những đồng đội đã nằm xuống, Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác - nguyên Cục trưởng Cục Nhà trường Quân đội bày tỏ: “Mặc dù chị Võ Thị Thắng đã về với cõi vô cùng nhưng hình ảnh của chị vẫn sẽ sống mãi cùng lịch sử dân tộc, ‘nụ cười chiến thắng’ của chị vẫn luôn là biểu tượng của tinh thần lạc quan cách mạng.”
Vị tướng già nhớ lại, câu chuyện cùng lời nói đanh thép, đầy kiêu hãnh của bà Võ Thị Thắng (tại Tòa án quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn năm 1968) đã trở thành nguồn động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với những người cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước trong thời kỳ này.
Tháng 7/1968, bà Võ Thị Thắng được giao nhiệm vũ ám sát Trần Văn Đỗ, kẻ được cho là “mật vụ chỉ điểm” cho quân địch tại Quận 6 (Sài Gòn). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người chiến sỹ Võ Thị Thắng bị địch bắt.
Trong phiên tòa xử bà Võ Thị Thắng (ngày 2/8/1968) tại tòa án quân sự mặt trận 3 vùng chiến thuật của chính quyền Sài Gòn, một thành viên trong hội đồng xét xử đã nói: “Vậy là cuộc đời cô nữ sinh kể từ đây chôn vùi trong khám tối.”
Với nụ cười kiêu hãnh, vẻ hiên ngang, người tù binh Võ Thị Thắng đáp lại đanh thép: “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”
“Một phóng viên người Nhật đã ghi lại khoảnh khắc ấy với bức ảnh ‘Nụ cười chiến thắng.’ Bức ảnh cùng câu nói ngắn gọn, đanh thép của bà Võ Thị Thắng sau đó đã làm rung động lòng người. Quả đúng như những gì bà đã nói, năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam. Bà được trả tự do,” bà Chu Hà Lan, người từng là thư ký của bà Võ Thị Thắng chia sẻ.
Trong hồi ức của bà Lan, ẩn sau vẻ bề ngoài mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, bà Võ Thị Thắng là một người phụ nữ rất giản dị, nhân hậu. “Không ít lần đi công tác, gặp những hoàn cảnh khó khăn, chị Thắng không ngần ngại mang hết số tiền mình mang theo giúp đỡ những trường hợp éo le,” bà Lan kể.
Bà Lan cho biết thêm, hiện nay, ở Cuba, có hai trường học được đặt tên theo tên bà Võ Thị Thắng và bức ảnh chụp bà tại tòa án của chính quyền Sài Gòn năm 1968: trường Võ Thị Thắng và trường Nụ Cười Chiến Thắng. Nhà thơ Tế Hanh cũng đã từng viết về bà:"Nụ cười như tấm gương thời gian/ Nhân loại soi vào người con gái Việt Nam/ Ôi nụ cười vinh quang, nụ cười chiến thắng/ Đẹp bao nhiêu nụ cười Võ Thị Thắng”
Bà Võ Thị Thắng sinh ngày 10/1/1945 tại xã Tân Bửu (huyện Bến Lức, Long An). Bà nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và khóa X; Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI; nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bà đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Hữu nghị Cuba; Huân chương ANA BETANCOUR CUBA; Huân chương ORIENTE CUBA; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Bà Võ Thị Thắng mất hồi 8 giờ 15 phút ngày 22/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 69 tuổi.