Độc quyền và bất ổn: Cần cách “ứng xử” mới với thị trường vàng

Bài 1: Giá vàng trồi sụt, thị trường đảo điên bán mua

Giá vàng không ngừng "nhảy múa" và tình trạng độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC cho thấy đã đến lúc cần trả vàng về cho thị trường vận hành và NHNN chỉ giám sát về khối lượng, giá cả khi cần thiết.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường vàng trong nước lại liên tục chứng kiến những đợt biến động rất mạnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường vàng trong nước lại liên tục chứng kiến những đợt biến động rất mạnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên tục trong thời gian qua kể từ cuối năm 2023, giá vàng trong nước đã biến động không ngừng với mức tăng “phi mã,” kéo giãn khoảng cách khá lớn với giá vàng thế giới, có thời điểm mức chênh lệch lên tới 20 triệu đồng/lượng…

Đây không phải là hiện tượng mới khi trước đó, trong giai đoạn 2009-2011, thị trường vàng trong nước cũng chứng kiến đợt “nhảy múa” do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Đó cũng chính là thời điểm Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời nhằm lập lại trật tự cho thị trường kim loại quý này và vàng miếng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Ngay sau đó, từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng SJC ra thị trường. Điều này cũng phần nào lý giải việc nhu cầu tăng cao đã khiến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ở mức khá lớn.

Giới chuyên môn nhận định nếu không cân bằng được thị trường vàng trong nước thì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng cao thì tình trạng buôn lậu ngày càng nhiều, nhất là việc độc quyền vàng miếng SJC đã đẩy giá vàng thương hiệu này trong nước luôn cao hơn thế giới do nguồn cung khan hiếm…

Đã đến lúc, cần trả vàng về cho thị trường vận hành và cơ quan quản lý làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, giá cả khi cần thiết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc “sứ mệnh lịch sử” của Nghị định 24 đã đến hồi kết. Hay nói cách khác, nhà điều hành cần mạnh dạn “cởi bỏ tấm áo cũ” để lành mạnh hóa thị trường vàng trong nước, loại bỏ tình trạng đầu cơ và góp phần ổn định thị trường tài chính-tiền tệ.

Bài 1: Giá vàng trồi sụt, thị trường đảo điên bán mua

Sau đợt tăng nóng rồi hạ nhiệt vào cuối năm 2023, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường vàng trong nước lại liên tục chứng kiến những đợt biến động rất mạnh. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm vàng miếng SJC, vàng nhẫn 24K khiến giá hàng hóa bị đẩy lên cao chưa từng có nhưng cũng có phiên đã rơi thẳng đứng khiến nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa.

Tăng phi mã, giảm choáng váng

Giá vàng đợt vừa qua được ghi nhận tăng cao nhất là vào cuối ngày 12/3, khi vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 80,5 triệu đồng/lượng, bán ra 82,5 triệu đồng/lượng.

Cùng ngày, lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng thế giới liên tiếp phá vỡ các kỷ lục trong vòng một tuần chạm mức 2.185 USD/ounce (tương đương 65,6 triệu đồng/lượng) vào cuối tuần qua.

Tuy nhiên, sang ngày 13/3, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 2.160 USD/ounce, giảm khoảng 20 USD so với cùng thời điểm phiên trước nên ngay lập tức đã kéo theo giá vàng trong nước cũng giảm sâu.

Chỉ trong vòng một ngày, giá vàng được điều chỉnh giảm hơn 2 triệu đồng. Vào cuối giờ chiều 13/3, vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn còn 78,2-80,7 triệu đồng/lượng mua vào-bán ra. Vàng nhẫn của Bảo Tín Minh Châu còn 67,88-69,38 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu khách mua vào cuối giờ chiều ngày 12/3 thì sang ngày 13/3 đã lỗ kép hơn 4,5 triệu đồng/lượng vì chênh lệch giá và vàng giảm.

Giám đốc một công ty vàng xác nhận trong bối cảnh giá vàng thế giới có thể tiếp tục giảm mạnh hơn đã ảnh hưởng tới tâm lý người nắm giữ vàng trong nước.

"Giá vàng giảm mạnh là do nhiều người sợ giá còn giảm thêm nên đua nhau bán, trong khi giá tăng lại đi mua với kỳ vọng còn tăng tiếp. Điều này khiến giá vàng trong nước đang giảm nhanh hơn thế giới,” Giám đốc công ty này nói.

Dù vậy, trong hai ngày 14 và 15/3, giá vàng đã lấy lại đà tăng, tính đến cuối ngày 15/3, vàng SJC dừng ở mức 81,7 triệu đồng/lượng, nghĩa là tăng 1 triệu đồng so với 2 phiên trước đó.

Giá vàng “trồi, sụt” cũng khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Tại một số cửa hàng kinh doanh vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cảnh mua bán diễn ra vô cùng sôi động, nhộn nhịp. Dòng người xếp hàng mua bán đông như trảy hội mặc dù giá vàng biến động mạnh. Một số người bán để chốt lời nhưng cũng có nhiều người mua vào vì vẫn kỳ vọng giá còn lên. Thậm chí có người còn mang 5 tỷ đồng tiền mặt đi mua vàng nhưng chưa được nhận ngay mà chỉ là phiếu biên nhận…

Dù vậy, theo tính toán, nếu mua vàng từ đầu năm và nắm giữ cho đến nay sẽ có mức lời cao. Tính nhanh từ ngày 2/1, nếu nhà đầu tư mua vàng SJC có giá 73,5 triệu đồng/lượng và đến ngày 15/3 bán ra là 79,7 triệu đồng/lượng, lãi trên 5 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, thời điểm này đầu tư cổ phiếu không dễ với người tay ngang, bất động sản thì trầm lắng nên phần đông người dân sẽ mua vàng và gửi ngân hàng. Tuy nhiên, do lãi suất tiền gửi hiện rất thấp nên xu hướng đầu tư là mua vàng.

SON25768.JPG
Khách hàng xếp hàng mua-bán vàng trong những ngày qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn nhìn vào diễn biến của thị trường vàng trong nước từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đang tăng mạnh hơn so với vàng miếng. Không chỉ vậy, chênh lệch giữa giá mua và bán của vàng nhẫn cũng thấp hơn rất nhiều so với vàng miếng.

Điều này cho thấy mức độ rủi ro khi đầu tư vào vàng nhẫn ít hơn đồng thời mang lại cơ hội lợi nhuận cao hơn. Động thái này đang làm nổi bật vai trò của vàng nhẫn như một lựa chọn đầu tư hấp dẫn trong thời điểm thị trường vàng đầy biến động.

Chênh lệch một cách phi lý

Chính giá vàng ngày càng tăng cao nên cũng dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên tới 17 triệu đồng, thậm chí có thời điểm còn lên 20 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia cho rằng giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý, chênh lệch giữa giá mua vào-bán ra cũng rất lớn, đẩy rủi ro đến người mua vàng.

Bên cạnh đó, do giá mua vào được điều chỉnh mạnh hơn so với giá bán dẫn đến chênh lệch mua-bán lên tới 2-5,5 triệu đồng (thời điểm cuối năm 2023). Thông thường, giá mua - bán vàng miếng chỉ chênh nhau khoảng 1 triệu đồng/lượng, điều này càng đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư.

Các chuyên gia nhận định thị trường vàng trong nước đang "lạc lõng" với thị trường thế giới. Trong khi vàng ở nhiều nước trên thế giới được định giá theo cung-cầu, theo tuổi vàng, theo hàm lượng vàng… thì ở Việt Nam, giá vàng miếng SJC dường như nằm ngoài những quy luật chung.

Thực thế, nguồn cung vàng miếng SJC khan hiếm là yếu tố để các cửa hàng vàng kéo giá trong nước cao vọt so với thế giới, trong khi nhu cầu của người dân lại chủ yếu nhắm vào mặt hàng này. Nếu cơ quan quản lý không có động thái can thiệp, xu hướng nhập lậu vàng theo đường biên mậu sẽ tiếp tục gia tăng. Việc này sẽ tác động lên tỷ giá chợ đen cũng như gây “chảy máu” ngoại tệ.

SON25741.JPG
Giá vàng nhẫn liên tục tăng trong thời gian qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước sự biến động của giá vàng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp và bình ổn thị trường vàng để bảo đảm tính ổn định cho loại hàng hóa đặc biệt này và tránh tình trạng đầu cơ gây ảnh hưởng xấu đối với ổn định tiền tệ và vĩ mô. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp với tình hình mới.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như trong thời gian qua và chênh với các loại vàng khác hơn 10 triệu đồng/lượng. Tất cả những bất cập còn tồn tại trên sẽ được xử lý triệt để trong quá trình sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý thị trường vàng.

Các chuyên gia chung nhận định diễn biến thị trường vàng hiện nay là do thiếu nguồn cung và tình trạng độc quyền. Để hạ nhiệt thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước phải sửa gấp Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, cho phép nhập khẩu vàng, xóa bỏ độc quyền vàng miếng thương hiệu SJC./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục