Lời tòa soạn!
Nếu nói nhà tù là công cụ đấu tranh, trấn áp kẻ phạm tội, thì giáo dục và cải tạo bảo đảm quyền lợi của phạm nhân ở ngay trong các trại tạm giam (theo quy định của pháp luật Việt Nam) là liều thuốc nhiệm màu để “gột rửa” những lỗi lầm và “thổi bùng lên ngọn lửa lương tri” còn lại của mỗi con người.
Đặc biệt, với mong muốn bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền công dân, ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT). Đến ngày 5/2/2015, Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước CAT vào ngày 7/3/2015.
Nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của Công ước CAT, nhiều năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả công ước. Một trong số đó là sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) thể hiện tính nhân văn, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam.
Theo đó, Việt Nam luôn dành mối quan tâm đặc biệt về chế độ ăn uống, khám chữa bệnh cũng như chăm sóc y tế, sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam; nhất là đối với các nhóm người yếu thế như trẻ vị thành niên, người cao tuổi, người mắc các bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ.
Việt Nam đóng góp thiết thực tại khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền
Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân với những chính sách rất ưu việt như: Người bị tạm giữ, tạm giam được quyền tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; được tổ chức gặp thân nhân; đảm bảo 100% các cuộc hỏi cung được ghi âm, ghi hình, chống tra tấn, bức cung, nhục hình; phạm nhân được hỗ trợ đào tạo nghề để làm lại cuộc đời, có ích cho gia đình và xã hội…
Với chủ trương nhân văn trên, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, phòng chống tra tấn trong tố tụng hình sự; được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đó cũng chính là công cụ sắc bén phản bác lại một số thông tin xuyên tạc, không phản ánh đúng thực tế khi cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền trong việc đối xử, giam giữ, không quan tâm tới các vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam hoặc điều kiện môi trường nơi trại giam không đảm bảo. Đây cũng là lời khẳng định đanh thép về sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân” trong việc đảm bảo quyền con người, xây dựng một xã hội phát triển, văn minh, hạnh phúc cho người dân.
Bài 1: Gieo “mầm thiện” ở trại tạm giam: “Liều thuốc nhiệm màu” gột rửa lỗi lầm
Không chỉ làm công tác chuyên môn là cải tạo, giáo dục, cảm hoá để “gieo mầm thiện” cho những mảnh đời lầm lỗi từ bỏ tâm lý tiêu cực, nhận thức đúng về hành vi phạm tội của mình, các cán bộ, chiến sĩ công tác tại Trại tạm giam số 1 và Trại tạm giam số 2 (Công an thành phố Hà Nội) còn kiêm luôn cả nhiệm vụ khám chữa bệnh, tận tâm mang đến “món quà quý nhất” là sức khỏe cho các can phạm nhân, để họ yên tâm chấp hành án, tích cực cải tạo, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Gột rửa lỗi lầm, nhân lên “mầm thiện”
Một ngày cuối tháng 11/2023, bầu trời Hà Nội óng vàng trong nắng ấm. Chúng tôi vào thăm Trại tạm giam số 1 và Trại tạm giam số 2 (nơi đang giam giữ gần 6.000 can phạm nhân với nhiều tội danh khác nhau), để tìm hiểu về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.
Khác với hình dung ban đầu, các trại tạm giam trên đều có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với những con đường nội bộ bê tông sạch sẽ, những khoảnh vườn cây trái quả xum xuê từ chuối, cam, bưởi. Xen kẽ bên dưới và dọc hai bên đường là những cây cảnh rực rỡ sắc màu như hoa giấy, hoa hồng, hoa lan.
Lẫn trong cảnh sắc đó là tiếng chim hót ríu trên khắp các cành cây, tiếng nô đùa của những đứa trẻ vào thăm bố, mẹ. Những hình ảnh, âm thanh đó không khỏi thôi thúc hàng nghìn can phạm nhân, những mảnh đời lầm lỗi “sống chậm lại,” cảm nhận giá trị tươi đẹp của cuộc sống, nhân lên “mầm thiện” để nghĩ tới ngày trở về.
Còn với chúng tôi, những người lần đầu vào thăm trại tạm giam, quả thật, nếu không nhìn thấy bóng dáng một vài bóng áo kẻ của phạm nhân đang tưới nước, cắt tỉa cành, chăm bón cây cối, chắc không ai nghĩ đây là một nơi “đặc biệt” đang thi hành án hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Thi hành án hình sự 2019.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm, tiếp xúc với không ít trường hợp can phạm nhân cá biệt, Trung tá Trần Ngọc Hạnh, cán bộ Trại tạm giam số 1 cho hay để làm tốt công tác giáo dục, cảm hóa ở trong trại tạm giam, sự quan tâm và không gian sinh hoạt là điều rất quan trọng, để “gieo mầm thiện” vào những người lầm lỗi.
Theo Trung tá Trần Ngọc Hạnh, trước đây, các cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản giáo, bảo vệ trại tạm giam phải đối mặt với rất nhiều áp lực, bởi phần lớn đối tượng bị tạm giữ, tạm giam và chấp hành án hình sự tại đây đều có nhân thân phức tạp cộng thêm tâm lý bi quan, nhất là các đối tượng phạm trọng tội.
Thậm chí, một số trường hợp bị tạm giữ, tạm giam và đang thi hành án hình sự là đối tượng thuộc các nhóm yếu thế như người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo…Vì thế, để có thể giáo dục, cảm hóa các đối tượng, cán bộ quản giáo luôn phải thực hiện nguyên tắc 4 biết: “Biết mặt, biết tên, biết hoàn cảnh gia đình và biết lai lịch, hành vi dẫn đến phạm tội.”
“Với các phạm nhân cá biệt có mức án cao (một số người có hoàn cảnh bố, mẹ già yếu, thân nhân mắc bệnh hiểm nghèo), chúng tôi đã tổ chức chương trình giáo dục chung và giáo dục riêng. Hằng tuần, chúng tôi phân công cán bộ quản giáo, chỉ huy phân trại tiến hành gặp gỡ, nói chuyện, động viên phạm nhân đồng thời sắp xếp những công việc phù hợp với thể chất của phạm nhân,” Trung tá Hạnh nói.
Nhấn mạnh nghề quản giáo chính là “nghề giáo dục lại,” Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 chia sẻ: “Nếu nói nhà tù là công cụ đấu tranh, trấn áp kẻ phạm tội, thì giáo dục và cải tạo là ‘liều thuốc nhiệm màu’ để gột rửa những lỗi lầm của họ và thổi bùng lên ‘ngọn lửa lương tri’ của mỗi con người.”
Với tinh thần đó, trong những năm qua, Trại tạm giam số 2 đã tích cực tham mưu cho các cơ quan chức năng các giải pháp bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, quyền được giáo dục cho can phạm nhân tại cơ sở; qua đó giúp nhiều đối tượng cá biệt từ bỏ tâm lý tiêu cực, chán nản, nhận thức đúng về hành vi phạm tội của mình và hợp tác với cơ quan chức năng, hướng thiện, sửa chữa sai lầm.
Dành “món quà” sức khỏe cho tất cả can phạm nhân
Cùng với giải pháp “gieo mầm thiện,” những năm qua, các can phạm nhân tại Trại tạm giam số 1 và Trại tạm giam số 2 còn được đảm bảo mọi quyền lợi theo quy định trong suốt quá trình thi hành án, như quyền được khám, chế độ ăn uống, gặp người thân. Đặc biệt, họ được đón nhận “món quà quý nhất” là sức khỏe.
Rất nhiều phạm nhân khi bị bắt giữ, từng có tâm trạng bi quan, chán nản vì bản thân mắc bệnh hiểm nghèo hay đang mang thai. Tuy nhiên, từ khi vào trại tạm giam, được sự quan tâm, hỏi han, chăm sóc, của các cán bộ quản giáo và đội ngũ y bác sỹ của bệnh xá, sức khỏe thể chất và tinh thần của can phạm nhân đã dần ổn định.
Đơn cử như tại Trại tạm giam số 2, khu vực bệnh xá nằm bình yên, tĩnh lặng phía sau cùng của trại tạm giam. Cách biệt với các dãy phòng giam, bệnh xá gồm có 13 phòng, được ôm trọn bởi những cây xanh rộng tán. Khuôn viên phía ngoài luôn xanh mướt cây cối với mẫu đơn, bưởi, sấu, vươn mình trong bóng nắng giữa chiều.
Nằm ở phòng điều trị số 5, phạm nhân Nguyễn Đức Tiến (sinh năm 1958 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị kết án 38 tháng tù vì tội tàng trữ ma túy được đưa về Trại tạm giam số 2, hơn 6 tháng trước khi đang mang trong mình căn bệnh suy tim và suy phổi. Cú “sốc” đó khiến ông luôn suy nghĩ tiêu cực về việc buông bỏ trần đời.
Tuy nhiên, sau một thời gian ở trại tạm giam, được các y bác sỹ của bệnh xá tận tâm chăm sóc, động viên, ông Tiến đã được trao “món quà đặc biệt” để sống lại.
Trong câu chuyện với người viết về ngày tháng ở trại tạm giam, ông Tiến ở tuổi thất thập òa lên nức nở. Ông kể là người không có gia đình, đã gần 70 tuổi, lại mắc nhiều bệnh nền và suy tim, suy phổi, nên ông từng rất chán nản. Thế nhưng, mỗi lần bạo bệnh, tưởng nhắm mắt buông xuôi, ông lại được các bác sĩ hết lòng cứu chữa.
“Có lần tôi ngất đi, tỉnh dậy thấy 4 bác sĩ của bệnh xá đang ngồi cùng trên xe đưa tôi ra các bệnh viện tuyến trên. Tôi đã từng được chuyển ra Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 198 để chữa trị kịp thời,” ông Tiến nói.
Ở trong Trại tạm giam số 2, ông Tiến được chăm sóc, thở ôxy liên tục, có khi 4 ngày đã hết 1 bình, sức khỏe tốt hơn thì 7 đến 8 ngày/bình ôxy. Ngoài ra, ông luôn nhận được thuốc men đầy đủ. Cán bộ quản giáo ngoài nhắc giờ giấc uống thuốc còn tự bỏ tiền túi mua cơm, cháo chăm sóc vì biết ông hoàn cảnh khó khăn.
“Nếu ở ngoài, có lẽ tôi đã chết rồi. Kể từ khi vào đây, tôi không có người thân quan tâm, chi viện. Tất cả đều phụ thuộc vào tiêu chuẩn của trại. Tôi biết ơn Đảng, Chính phủ và thấy rằng các quản giáo ở đây rất có tình người,” ông Tiến nói.
Gắn bó với công việc khám chữa bệnh cho can phạm nhân từ tháng 7/1996 tới nay, Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng tại Trại tạm giam số 2, cho hay theo quy trình, các phạm nhân khi vào trại giam, trại tạm giam chấp hành án phạt đều được đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, kiểm tra các thông số về nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa. Kết quả khám sức khỏe được lưu vào hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe của phạm nhân.
Đối thoại Nhân quyền ASEAN thúc đẩy quyền con người trong khu vực
Tại Đối thoại, các đại biểu đã trao đổi những thực tiễn tốt nhất nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, cũng như cách thức vượt qua những thách thức để thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD).
Những can phạm nhân mắc bệnh quá khả năng điều trị đều được giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên. Các trường hợp chưa rõ ràng về chẩn đoán sẽ được đội ngũ của trại đưa ra các cơ sở y tế bên ngoài để khám, ghi nhận phác đồ điều trị; trường hợp bệnh nặng sẽ được điều trị dài ngày, theo dõi tại bệnh viện tuyến cấp huyện trở lên.
“Mặc dù các can phạm đều là đối tượng đặc biệt không thể dễ dàng đưa đi khám, chữa được, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để bảo đảm quyền sức khỏe cho các can phạm nhân. Nhờ đó, tỷ lệ khám chữa bệnh thành công luôn ở mức cao và tỷ lệ bệnh nặng dẫn đến tử vong gần như không có,” Trung tá Hải nói.
Trung tá Nguyễn Hồng Hải, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam số 1 cũng nhấn mạnh trong các trường hợp bất thường, trại này có đội ngũ nhân viên y tế, cấp cứu trực 24/24 giờ. Để bảo đảm quyền lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam, các can phạm nhân đã có hồ sơ điều trị nội trú đều được cấp phát thuốc hằng ngày theo quy định.
“Trong những trường hợp can phạm mắc bệnh nặng thì bất kỳ thời điểm nào chúng tôi cũng có mặt để khám, chữa kịp thời,” Trung tá Nguyễn Hồng Hải nói thêm.
Đặc biệt, trong thời gian cao điểm của đại dịch COVID-19, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp Sở Y tế tham mưu cho ủy ban nhân dân thành phố thành lập “Khu cách ly, theo dõi, điều trị người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 tại Trại tạm giam số 2 - Công an thành phố Hà Nội” đồng thời triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân. Theo đó, có 2.711 can phạm nhân nhiễm COVID-19 tại các cơ sở giam giữ đã được điều trị khỏi; trong đó điều trị tại khu cách ly Trại tạm giam số 2 là 2.588 người; điều trị tại các nhà tạm giữ là 123 người.
Chống tra tấn, bảo đảm quyền con người
Theo số liệu chính thức, Công an thành phố Hà Nội hiện đang tổ chức quản lý 2 trại tạm giam và 30 nhà tạm giữ Công an cấp huyện với 1.028 buồng giam giữ, quy mô giam giữ thực tế 7.919 chỗ. Kể từ ngày 1/1/2018 đến nay, các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận 128.885 lượt người bị tạm giữ, tạm giam, tiến hành bố trí giam giữ và quản lý theo đúng quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Phạm Chiến Thắng - Phó Giám thị Trại giam số 1 cho biết trong quá trình chấp hành án, những người bị tạm giữ, tạm giam được đảm bảo tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước sinh hoạt theo quy định.
Cụ thể, mỗi can phạm nhân, trong 1 tháng sẽ được đảm bảo chế độ ăn uống 17kg gạo, 15kg rau, 1kg cá, 1kg thịt, 0,5kg cân đường và 0,75 lít nước mắm cùng một số loại gia vị khác. Chế độ ăn được niêm yết công khai tại từng buồng giam.
Riêng những người bị tạm giam, tạm giữ dưới 18 tuổi sẽ được bổ sung thêm thức ăn thịt, cá; người tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được cán bộ y tế thăm khám và chăm sóc y tế thường xuyên, được hưởng chế độ ăn uống đảm bảo sức khỏe. Đối với trẻ dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ sẽ được cấp các đồ dùng cá nhân cần thiết, thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh theo Luật trẻ em.
“Trong các dịp lễ, Tết (như Tết dương lịch, Tết nguyên đán, giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9,…) trại đều tăng thêm khẩu phần ăn của can phạm gấp 5 lần ngày thường. Các loại lương thực, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trại,” Thượng tá Thắng nói.
Thượng tá Phạm Chiến Thắng cũng cho biết tại các cơ sở giam giữ hiện nay đều đã được trang bị hệ thống loa truyền thanh để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như để người bị tạm giữ, tạm giam được nghe thông tin, thời sự trong nước và quốc tế. Ngoài ra, hằng ngày, người bị tạm giữ, tạm giam còn được cấp 1 tờ báo địa phương hoặc trung ương để tiếp cận, nắm thông tin.
Đặc biệt, trong quá trình chấp hành án, người bị tạm giữ, tạm giam được tổ chức gặp thân nhân theo đúng thời gian và số lần quy định. Người bào chữa được tổ chức cho gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Về việc đảm bảo quá trình hỏi cung, chống tra tấn, bức cung, nhục hình, Trung tá Cao Trương Hoàn - Phó Trưởng phòng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội (PC01) cho biết ngay sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực, Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội đã khẩn trương đầu tư các trang thiết bị, đảm bảo theo quy chuẩn, quy định của pháp luật; đảm bảo 100% các cuộc hỏi cung được ghi âm, ghi hình.
“Từ đó, quá trình lấy lời khai, hỏi cung các bị can, bị cáo luôn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật; đảm bảo quyền con người của bị can, bị cáo trong quá trình hỏi cung. Đặc biệt, khi hỏi cung có ghi âm, ghi hình, ngay từ đầu chúng tôi đã giải thích các quyền cơ bản của bị can, bị cáo được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có quyền được mời người bào chữa,” Trung tá Hoàn nói thêm.
Là một trong những đối tượng bị tạm giam, tạm giữ tại Trại Tạm giam số 1 vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” Nguyễn Thanh T., (sinh năm 1998, ở tỉnh Quảng Ninh) cho hay sau khi được cơ quan điều tra chuyển về Trại tạm giam số 1, cũng như các can phạm nhân khác, T., đã được kiểm tra sức khỏe trước khi nhập trại và được đảm bảo các quyền lợi nhân văn theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
“Đặc biệt, hàng ngày, mỗi buồng giam chúng tôi được phát 1 tờ báo mới để các thành viên trong phòng thay nhau đọc. Đây được coi là ‘món ăn tinh thần’ quý giá của mỗi can phạm nhân trong thời gian bị giam giữ,” Nguyễn Thanh T., chia sẻ.
Thực tế trên cho thấy bảo vệ quyền chính đáng của người đang bị tạm giữ, tạm giam gắn với thực hiện tốt chế độ, chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong công tác giáo dục, cải tạo, thể hiện tính ưu việt của pháp luật nhà nước Việt Nam./.
Mời độc giả đón đọc Bài 2: Chính sách ưu việt, đảm bảo đầy đủ quyền con người