Việt Nam quyết tâm phát triển thị trường carbon, bắt kịp với thế giới

Bài 1: Không thể chậm chân trong phát triển thị trường carbon

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết: "Việt Nam quyết tâm phát triển thị trường carbon, bắt kịp với thế giới" nhằm đạt được cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Dây chuyền sản xuất sữa tươi Vinamilk từ trang trại xanh, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất sữa tươi Vinamilk từ trang trại xanh, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt trong thế kỷ XXI. Theo báo cáo của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, nếu không có hành động quyết liệt, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng lên hơn 4 độ C vào cuối thế kỷ này, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, kinh tế và xã hội.

Để giải quyết thách thức trên, thị trường carbon được xem là chìa khóa hiệu quả để thúc đẩy các bên đẩy nhanh việc giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam đang quyết tâm đẩy nhanh việc thành lập và vận hành thị trường này. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội khi thị trường carbon chính thức được vận hành tại Việt Nam, doanh nghiệp, người dân cần hiểu rõ về thị trường để chuẩn bị và không chậm chân trong cuộc đua của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để làm rõ vấn đề này, Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết: "Việt Nam quyết tâm phát triển thị trường carbon, bắt kịp với thế giới."

Bài 1: Không thể chậm chân trong phát triển thị trường carbon

Nhằm đẩy nhanh việc giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hiệu quả nhất, nhiều nước và khu vực trên thế giới đã thành lập, vận hành thị trường carbon.

Bắt nhịp xu hướng đó, Việt Nam cũng đẩy nhanh việc thành lập thị trường này để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đi trước, tránh tổn thất và thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước, góp phần bảo vệ được lợi ích quốc gia.

Quyết tâm bắt kịp thế giới

Gia tăng phát thải khí nhà kính được thế giới xác định là một trong những nguyên nhân khiến trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp sự tồn vong của nhân loại.

Nhận thức rõ điều này, năm 2015, có 195 quốc gia thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã thông qua Thỏa thuận Paris, nhất trí phải nhanh chóng giảm lượng khí nhà kính với mức nhiều nhất có thể.

Mục tiêu tới giữa thế kỷ XXI, thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của Trái Đất nhờ rừng và đại dương, cộng với công nghệ thu gom khí thải.

Một trong những biện pháp mà quốc tế khuyến nghị và được rất nhiều nước thực hiện nhằm đẩy nhanh việc giảm phát thải với chi phí hiệu quả là sử dụng công cụ tài chính định giá phát thải khí nhà kính hay định giá carbon. Do carbon dioxide (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính khác.

Theo UNFCCC, định giá carbon là công cụ nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính bằng cách đặt một khoản phí phát thải hoặc khuyến khích phát thải ít hơn. Hiểu một cách đơn giản là người phát thải phải trả tiền. Và mức giá cho một đơn vị phát thải được tính trên một tấn CO2 tương đương (CO2e).

TTXVN_1803carbon2.jpg
Một góc bể cá koi được nuôi bằng nước thải đã qua xử lý trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Thủy Nguyên, Hải Phòng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Các công cụ định giá carbon gồm thuế carbon, hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS) và cơ chế tín chỉ carbon; trong đó, thuế carbon là thuế suất mà Chính phủ đặt ra cho những cơ sở phát thải phải trả cho mỗi tấn CO2e mà họ thải ra khí quyển.

ETS là hệ thống mà Chính phủ đặt giới hạn phát thải khí nhà kính cho các cơ sở phát thải thông qua việc phân bổ hạn ngạch. Nếu phát thải cao hơn mức cho phép, các doanh nghiệp có thể bị phạt gấp nhiều lần giá hạn ngạch.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có quyền giao dịch hạn ngạch với nhau hoặc mua tín chỉ carbon được Chính phủ công nhận để bù trừ cho lượng phát thải của mình.

Tín chỉ carbon là cơ chế mà lượng giảm, hấp thụ khí nhà kính từ một dự án hành động vì khí hậu được định giá theo các quy tắc, phương pháp luận chặt chẽ được một quốc gia, tổ chức hoặc cơ sở phát thải dùng để bù trừ cho lượng phát thải của mình. Hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon đều có thể giao dịch được và thị trường giao dịch này gọi là thị trường carbon.

Theo ông Phạm Nam Hưng - Phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tiến sỹ Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường carbon đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Do vậy, Việt Nam đã lựa chọn và đang trong quá trình xây dựng thị trường carbon nhằm đạt được cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Số liệu của Ngân hàng Thế Giới năm 2023 cho thấy so với công cụ thuế carbon dù đã phát triển từ năm 1990, thị trường carbon bắt buộc đã góp phần giảm khí nhà kính toàn cầu cao hơn gấp 3 lần; trong đó, hệ thống ETS của EU đã giúp giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực EU hơn 40% kể từ năm 2005.

Thị trường liên kết California-Quebec đã giúp giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực Bắc Mỹ hơn 10% kể từ năm 2013. Từ năm 2021, thị trường carbon Trung Quốc đã chiếm gần 50% lượng giảm khí nhà kính toàn cầu.

Đối với thị trường carbon tự nguyện, mặc dù đây là nơi các bên tự nguyện giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ trách nhiệm môi trường-xã hội-quản trị (ESG) và xây dựng hình ảnh trước công chúng của doanh nghiệp nhưng cũng đóng góp lớn cho việc giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Báo cáo của Ecosystem Marketplace, nguồn cung tín chỉ carbon trên thế giới tăng nhanh với khoảng 240 triệu tín chỉ carbon đã được phát hành trong giai đoạn 2010-2021; trong đó 92 triệu tín chỉ được sử dụng để bù đắp cho phát thải khí nhà kính của các tổ chức, cá nhân với tổng giá trị giao dịch khoảng 2,4 tỷ USD và ước đạt khoảng 3,2 tỷ USD trong năm 2024.

Thị trường này được điều chỉnh bởi nhiều bộ tiêu chuẩn quốc tế độc lập; trong đó, bộ Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) của Tổ chức Verra (ở Mỹ), Tiêu chuẩn vàng (GS) của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tiêu chuẩn Hội đồng carbon toàn cầu (GCC) của Tổ chức nghiên cứu và phát triển vùng Vịnh (GORD) đang được áp dụng phổ biến.

Theo ông Phạm Nam Hưng, lộ trình xây dựng thị trường carbon theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon là rất gấp. Vì để có kinh nghiệm, nguồn lực, nhân lực, năng lực vận hành một thị trường carbon đầy đủ, các nước đã phải mất 10 năm.

Có những nước mất 12 năm hoặc phải bỏ đi làm lại nhiều lần. Tuy nhiên, với việc đặt ra lộ trình từ năm 2025 vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon thí điểm, từ năm 2028 vận hành thị trường carbon đầy đủ, Việt Nam kỳ vọng đến năm 2030 có thể kết nối với thị trường carbon trên thế giới.

Chỉ đạo tại cuộc họp nghe báo cáo về Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần chủ động xây dựng thị trường carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.

Thị trường nhiều tiềm năng

Mặc dù thị trường carbon tại Việt Nam, vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, nhưng thời gian qua, Việt Nam đã tham gia thị trường carbon quốc tế thông qua việc thực hiện các dự án tín chỉ carbon mà đầu tiên là Cơ chế phát triển sạch (CDM) của UNFCCC từ năm 2005 với gần 30 triệu tín chỉ.

TTXVN_1803carbon3.jpg
Hồ chứa nước thải sau xử lý tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Thủy Nguyên, Hải Phòng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã phát triển nhiều dự án theo các tiêu chuẩn carbon quốc tế độc lập. Theo cơ sở dữ liệu của Dự án Carbon Berkeley, tính đến nay, Việt Nam có 71 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn GS và 53 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn VCS với số lượng tín chỉ đươc phát hành lần lượt là gần 7,6 triệu và 4,3 triệu tín chỉ.

Ngoài ra, Việt Nam còn có một số dự án theo Tiêu chuẩn GCC và Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Các dự án phát hành tín chỉ carbon tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (thủy điện, điện sinh khối, điện mặt trời, điện gió), hộ gia đình và cộng đồng (phân huỷ sinh học, nước sạch, bếp nấu, chiếu sáng), quản lý rác thải và rừng.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Tiến sỹ Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO) cho biết với 14,7 triệu hecta rừng, ngành lâm nghiệp đang là ngành duy nhất phát thải ròng âm, trung bình âm 40 triệu tấn CO2e/năm. Tức là lượng hấp thụ carbon lớn hơn lượng phát thải.

Mới đây, lần đầu tiên, Việt Nam đã thu được 51,5 triệu USD từ việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2e giảm phát thải từ rừng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Ngân hàng thế giới thông qua Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Đáng chú ý, quyền sở hữu của 10,3 triệu tấn CO2e đó, Ngân hàng thế giới chỉ giữ 5%, tương đương khoảng 0,51 triệu tấn CO2e và lượng giảm phát thải bổ sung nếu có. 95% lượng giảm phát thải, tương đương khoảng 9,78 triệu tấn CO2e cùng lượng bổ sung nếu có sẽ được chuyển lại cho Việt Nam sau khi hoàn thành ERPA để sử dụng cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Thời gian tới, dự kiến dự án sẽ chuyển nhượng tiếp khoảng 5 triệu tấn CO2e nữa.Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện cũng đang chuẩn bị tài liệu để đàm phán, ký kết Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng Tây Nguyên và Nam Trung bộ với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) - Tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).

Trong giai đoạn 2022-2026, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển nhượng cho Emergent/LEAF 5,15 triệu tấn CO2e với giá tối thiểu là 10 USD/tấn, tương đương 51,5 triệu USD.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sỹ Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 đã nhận được sự quan tâm đầu tư của Quỹ chi trả tài chính carbon – TCAF và Ngân hàng Thế giới.

TCAF đã giải ngân 40 triệu USD tài trợ không hoàn lại cho giai đoạn từ 2024-206 và Ngân hàng Thế giới cam kết cho vay vốn ODA 400 triệu USD đến năm 2030 để hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường carbon tự nguyện thông qua đề án này.

Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ thu được những tín chỉ đầu tiên từ đề án. Những tín hiệu trên cho thấy, thế giới rất quan tâm đến tiềm năng thị trường carbon của Việt Nam.

Tương lai Việt Nam có thể sử dụng được nguồn tài chính bền vững để tiếp tục hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân và những người làm công tác bảo vệ, bảo tồn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục