Trong thế giới toàn cầu hóa, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế tất yếu, để tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu.
Việc đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon mà những thị trường lớn đang áp dụng sẽ đóng vai trò quyết định cho cuộc đua mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phù hợp với thực tiễn
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường sống không chỉ tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung với các quốc gia trên thế giới, buộc phải nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Mục tiêu này không chỉ là yêu cầu cấp thiết về môi trường mà còn mang đến những cơ hội đáng kể cho các tổ chức thuộc mọi quy mô; bao gồm việc tiết kiệm chi phí từ sử dụng hiệu quả năng lượng, nâng cao uy tín thương hiệu, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và nhà đầu tư đối với các hoạt động bền vững.
Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1997).
Các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới đã xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm, hấp thụ phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, thế giới giao dịch tín chỉ carbon trên hai thị trường là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính.
Phó Thủ tướng: Phát triển thị trường tín chỉ carbon đồng bộ và toàn diện
Phó Thủ tướng cho rằng cần có đánh giá tác động của các công cụ kinh tế, tài chính, thuế, bảo đảm sự hài hòa, minh bạch trong trách nhiệm, quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Hiện tại, lớn nhất là thị trường carbon châu Âu và thị trường carbon Hoa Kỳ... Thị trường carbon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.
Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.
Tín chỉ carbon là một chứng nhận đại diện cho việc giảm phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2). Các tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường carbon, nơi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể mua và bán tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí nhà kính mà họ phát thải.
Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hiện rất sôi động. Việc phát triển thị trường này không chỉ là xu thế xanh mà còn là cơ hội để các nước hướng tới “Net Zero” và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.
Thế giới hiện có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai.
Tại Việt Nam, thị trường carbon đang được triển khai xây dựng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Theo ông Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có "độ mở" cao, nếu áp dụng sớm thị trường sẽ đồng nghĩa với việc bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm phát thải.
Việc này sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, khiến doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ; cũng như xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành và làm chủ các công nghệ, máy móc mới.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng ta vẫn phải làm, phải chuyển đổi, bởi nếu không sẽ tụt hậu với thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero).
Bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính.
Thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa.
Phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon
Thị trường carbon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012, phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Theo đó, Đề án rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện; xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào dự án kinh doanh tín chỉ carbon từ rừng theo hướng xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng...
Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 của Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính, công nghệ của các nước và tổ chức quốc tế; phát triển thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong nước, tham gia thị trường carbon toàn cầu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon. Theo đó, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định, được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.
Cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát thải khí nhà kính trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường carbon trong nước.
Năm 2021, Nghị quyết 50-NQ/CP của Chính phủ đã xác định "thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" là một trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone và phát triển thị trường carbon.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải, hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường carbon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; trong đó có lộ trình phát triển công cụ định giá carbon, nhất là thị trường carbon tuân thủ.
Việt Nam dự kiến đẩy nhanh xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế và thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.
Vận hành, phát triển thị trường carbon
Nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều Hội nghị về biến đổi khí hậu để tìm ra các phương án hiệu quả và thiết thực nhất. Theo đó, trao đổi carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường sẽ được thực hiện thông qua tín chỉ hay còn gọi là tín chỉ carbon.
Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Trong đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Tại Việt Nam, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết hiện cả nước có 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải, các doanh nghiệp sẽ tham gia giảm phát thải khí nhà kính.
Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành các cơ chế quản lý toàn bộ tín chỉ carbon, tiến tới sẽ thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia. Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức có lượng tín chỉ tạo ra trên cả nước sẽ phải đăng ký trên hệ thống này.
Khi có trao đổi ra nước ngoài, cần báo cáo cho cơ quan quản lý, bởi hoạt động này ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải chung.
Khi thị trường trong nước đi vào hoạt động, nhu cầu tín chỉ carbon sẽ tăng lên và sẽ cần có thêm nguồn hàng hóa tín chỉ trong tương lai. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có thêm các quy định hướng dẫn cụ thể việc trao đổi, mua bán tín chỉ tại thị trường trong nước, quy định quản lý hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon ra quốc tế.
Nguồn lợi từ thị trường quốc tế rất lớn và nhu cầu rất cao, nhưng Việt Nam vẫn phải ưu tiên thực hiện các mục tiêu giảm phát thải quốc gia đến năm 2030 và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết từ nay đến hết năm 2027, Bộ sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.
Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thúc đẩy dự án tín chỉ carbon
Năm 2023 đánh dấu mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng). Đây là kết quả của việc thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).
Nguồn tiền thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ dùng để chi trả cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên, Ủy ban Nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên, các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn CT Group chính thức ra mắt Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc.
Ra mắt sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên ở Việt Nam
Theo bà Hoàng Bạch Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn CT Group, việc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN được kích hoạt ở Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn.
Bên cạnh mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và giúp đạt được cam kết Net zero vào năm 2050.
Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN còn đầu tư nghiên cứu ứng dụng Blockchain cho thị trường carbon, đảm bảo sự minh bạch, tin cậy cao nhất và hiệu quả trong việc quản lý, cấp phát, chuyển giao, tính toán, theo dõi tín chỉ carbon.
Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN đã ký kết hợp tác với Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển, các đơn vị nghiên cứu khoa học, tổ chức tài chính và đơn vị kiểm định quốc tế… cộng hưởng các nguồn lực cùng kiến tạo những giải pháp đột phá, ứng dụng công nghệ xanh giảm phát thải carbon, phối hợp tổ chức các Chương trình Chuyển đổi Xanh, vì mục tiêu Net Zero.
Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành có biển với 125 huyện ven biển, trải dọc theo bờ biển dài hơn 3.260km. Do đó, rừng ngập mặn có tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và phát triển bền vững cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng xanh.
Rừng ngập mặn không chỉ là nguồn tài nguyên quý giá của cộng đồng, địa phương mà còn là thành phần quan trọng đóng góp vào hệ sinh thái “carbon xanh” của Việt Nam.
Trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu Lời hứa khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc do Chính phủ Anh hỗ trợ, Chương trình tiến hành đánh giá trữ lượng carbon ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam và xác định các lộ trình tài chính bền vững cũng như tiềm năng của thị trường carbon tại Việt Nam.
Hướng tới thị trường carbon, FPT IS (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) cùng Carbon EX - nền tảng giao dịch tín dụng carbon, chứng chỉ năng lượng tái tạo tại Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác cung cấp dịch vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn toàn cầu như Verra Carbon Standard, Gold Standard, J-Credit.
Sự hợp lực của hai bên là mô hình đột phá để đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện mục tiêu Net Zero năm 2050.
Theo ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình triển khai, một số cơ sở đã chủ động liên hệ với cơ quan chuyên môn của Bộ để trao đổi về các nội dung, trách nhiệm cần thực hiện.
Điều này cho thấy sự quan tâm và nhận thức của các cơ sở trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã và đang được nâng cao.
Có thể thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp và địa phương là quan trọng để có thị trường carbon hoạt động hiệu quả trên toàn quốc, hướng đến mục tiêu chung là giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050./.