Thanh Hóa: Cá chết hàng loạt trên sông Mã chưa rõ nguyên nhân

Từ ngày 19/3 đến 27/4, đã có hàng chục lồng cá nuôi trên sông Mã của 22 hộ dân ở các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng bị chết, với tổng số lượng khoảng gần 2 tấn cá.

Hiện tình trạng cá chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá lồng. (Ảnh: TTXVN phát)
Hiện tình trạng cá chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá lồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 28/4, theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), thời gian gần đây, nhiều lồng bè nuôi cá trên sông Mã (đoạn chảy qua huyện Bá Thước) xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Lực lượng chức năng đang thống kê số lượng cá bị chết; phối hợp với các đơn vị liên quan tìm nguyên nhân.

Từ ngày 19/3 đến 27/4, đã có hàng chục lồng cá nuôi trên sông Mã của 22 hộ dân ở các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng bị chết, với tổng số lượng khoảng gần 2 tấn cá.

Đặc biệt, tối 26/4 và sáng 27/4, cá chết nhiều hơn. Ban đầu là các loại cá da trơn, tiếp đó là cá trắm và mấy ngày gần đây, cá tự nhiên cũng chết nhiều.

Theo đại diện Ủy ban Nhân dân thị trấn Cành Nàng (địa phương có số lượng lồng bè và cá chết nhiều nhất) đến thời điểm hiện tại, riêng thị trấn Cành Nàng có khoảng hơn 60 lồng nuôi cá của người dân trên địa bàn, với số lượng khoảng gần 1 tấn cá bị chết chưa rõ nguyên nhân. Trước hiện tượng này, chính quyền địa phương đã báo cáo lên cấp trên, tiếp tục tìm nguyên nhân.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bá Thước, cho biết căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường nước và tình hình thời tiết hiện nay, để giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi cá lồng, Phòng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn các các tổ chức, cá nhân, gia đình nuôi trồng thủy sản tăng cường ôxy bằng đảo nước, bơm nước hoặc bơm sục khí tạo ôxy; vệ sinh lồng bè sạch sẽ, giảm vật bám, chất bẩn để lồng nuôi thông thoáng để tăng cường ôxy hòa tan trong nước.

Nếu phát hiện hiện tượng màu nước thay đổi bất thường như xanh đậm, có váng cám nổi trên mặt nước, nên di chuyển lồng/bè nuôi sang khu vực nước sạch, đồng thời tăng cường sục khí.

Các hộ nuôi xác định chính xác khẩu phần thức ăn, chọn thức ăn cho cá phải phù hợp theo từng giai đoạn về thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng tránh tình trạng để dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường; chọn kích cỡ viên thức ăn phù hợp với kích thước miệng của cá ở từng giai đoạn.

Khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết phải thông tin về Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện quan tâm chỉ đạo triển khai, thông báo cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thực hiện tốt các nội dung khuyến cáo nêu trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục