Bảo tồn, gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại

Bài 1: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Chùm 2 bài "Bảo tồn, gìn giữ và phát huy nền dân tộc trong xã hội đương đại" đề cập đến các chính sách và mô hình hiệu quả trong bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Cứ vào mùng 7 Tết hằng năm, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn lại được tổ chức để tái hiện Lễ Tịch điền thời vua Lê Đại Hành chọn việc tổ chức cày ruộng khuyến khích nông trang. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Cứ vào mùng 7 Tết hằng năm, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn lại được tổ chức để tái hiện Lễ Tịch điền thời vua Lê Đại Hành chọn việc tổ chức cày ruộng khuyến khích nông trang. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quốc gia ngày càng đề cao tính đặc thù, bản sắc văn hóa dân tộc. Các nơi đều coi trọng việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm giúp cải thiện đời sống cộng đồng, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Chùm 2 bài "Bảo tồn văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại" sẽ đề cập đến các chính sách và mô hình hiệu quả trong bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Bài 1: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giúp đồng bào gìn giữ, phát huy giá trị di sản

Nhiều năm qua, đã có nhiều chính sách ra đời, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc như bảo tồn các buôn làng truyền thống, dân ca dân vũ, sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền, phục dựng một số lễ hội truyền thống.

Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/4 hằng năm là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" nhằm bảo tồn, tôn vinh văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

TTXVN_2002mocuarungbacgiang.jpeg
Lễ rước kiệu từ đền Cổ Ngựa đến đền Chúa Then trong Lễ hội mở cửa rừng tại Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nhiều đề án bảo tồn văn hoá dân tộc cũng đã được triển khai. Đó là Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Đề án mỗi dân tộc có một làng văn hoá bảo tồn, đề án bảo tồn văn hóa của các dân tộc ít người đang bị mai một lớn nhất…

Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức hàng loạt lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào các dân tộc ít người (Lô Lô, Mảng, Ngái, Bố Y…) nhằm giúp họ nâng cao năng lực bảo vệ văn hóa dân tộc mình.

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.”

Năm 2020, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã Phê duyệt Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hoá, thể thao du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021-2030.”

Cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030.”

Đặc biệt, trong “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030,” có 2 dự án thành phần liên quan trực tiếp đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Trong số đó, Dự án 06 có 18 nội dung đề cập trực tiếp đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Dự án 09: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc có nhiều khó khăn.

Gần đây nhất, tháng 10/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên tục ban hành các chính sách nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số. Có thể kể đến việc tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng Sông Cửu Long; tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số; chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư.

Trong số gần 40 Di sản Văn hóa Phi Vật thế Quốc gia được ghi danh tháng 11/2023, có khoảng 50% là di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số, như Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở Yên Bái, Lào Cai; Lễ hội xuống đồng ở Quảng Ninh, Hát quan làng của người Tày Tuyên Quang, Hà Giang; Hát Soọng Cô của người Sán Dìu, Lễ cúng rừng của người Cờ Lao Hà Giang, Lễ mở cửa rừng của người Mường Phú Thọ...

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời nhằm ưu tiên, phát triển toàn diện đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cụ thể hóa và triển khai, ban hành các văn bản mang tính pháp quy, thông tư, đề án, dự án và ký kết chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để thực hiện có hiệu quả công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống nói riêng.

Những kết quả đáng khích lệ

Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Tính đến nay, đã có hơn 90 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương phục dựng, bảo tồn và phát triển.

TTXVN_2302LehoiNeakTaTraVinh1.jpg
Người dân đưa kiệu trong nghi thức tống tàu của lễ hội Đom Lơng Néak Tà ở Trà Vinh. (Ảnh: TTXVN phát)

Có hơn 40 làng, bản, buôn truyền thống của 30 dân tộc ở các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn phát triển du lịch; hàng chục lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, nghề thủ công truyền thống của dân tộc thiểu số như Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, SiLa... được tổ chức, truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Các hoạt động này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm cũng như sự tự hào, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hải Nhung cũng nêu rõ, dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, bất cập.

Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đúng và đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc. Sự quan tâm của các cấp, ngành với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống nói chung có nơi chưa sâu sát, đồng bộ.

Một số chương trình, đề án về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được phê duyệt, nhưng không có kinh phí riêng nên triển khai khó khăn, phải lồng ghép vào ngân sách sự nghiệp hàng năm của đơn vị hoặc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa còn thiếu và yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực. Người có uy tín và các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ngày càng ít dần, chế độ chính sách đối với người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở còn chưa được quan tâm đúng mức.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, hệ thống chính sách văn hóa đối với các dân tộc thiểu số còn ít và chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.

Việc tổ chức thực hiện chính sách còn chậm, chưa thực sự đi vào cuộc sống... Nguồn lực đầu tư hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế, sử dụng thiếu hiệu quả.

Chính sách bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc theo các lĩnh vực cụ thể; tái tạo môi trường, khôi phục cảnh quan, không gian sinh tồn của đồng bào chưa được quan tâm định hướng và thể hiện rõ ràng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Song Hà, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Đó là nâng cao nhận thức trong công tác hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Tiếp đó là bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và quản lý văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, cần nhân rộng các mô hình bảo tồn văn hóa, xây dựng mô hình mới về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thực tiễn của địa phương.

“Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những tác động mạnh mẽ, yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số lại càng trở nên cấp bách,” Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Song Hà nhấn mạnh./.

Bài 2: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục