LOẠT BÀI “KINH TẾ XANH - TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

Bài 15: Gỡ rào cản cơ chế để "cởi trói" cho nguồn vốn Tín dụng Xanh

Các tổ chức tín dụng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, ban, ngành sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí về Tín dụng Xanh...
Trong số 12 lĩnh vực Xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù thị trường Tín dụng Xanh tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước phát triển tích cực do nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế..., song vẫn còn một số rào cản như thiếu quy định cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực Xanh dẫn đến khó thẩm định để cho vay hay nguồn vốn để các ngân hàng thương mại thực hiện còn eo hẹp cũng như nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng Xanh còn hạn chế.

Chưa có tiêu chí rõ ràng về Xanh

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết đến nay, các tổ chức tín dụng đang gặp không ít khó khăn do cơ chế, chính sách liên quan đến tài trợ dự án Xanh.

Đơn cử, vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng về các danh mục tín dụng tài trợ cho dự án Xanh và phát triển bền vững.

“Vấn đề này ngân hàng đang chờ các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành các danh mục Xanh,” vị lãnh đạo một ngân hàng nhấn mạnh.

Ngân hàng Agribank quyết định dành khoảng 50.000 tỷ đồng để cho vay lĩnh vực Xanh, lãi suất thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm. Khác với các khoản vay thông thường, tín dụng Xanh đòi hỏi các dự án cũng phải đáp ứng các tiêu chí Xanh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Định chế Tài chính Ngân hàng Agribank cho biết: "Chúng tôi chuyển sang cho vay các dự án năng lượng tái tạo, phát triển bền vững, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, hoạt động tái chế, bảo vệ môi trường. Khi cho vay các khách hàng lớn, đều phải có tiêu chí chứng nhận bảo vệ môi trường theo quy định. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là chưa có một danh mục quốc gia về dự án Xanh.”

Tương tự như Agribank, mặc dù BIDV đã tự chủ động ban hành Khung khoản vay bền vững, quy định về quản lý rủi ro môi trường cho các dự án nhưng cũng không tránh khỏi lúng túng trong quá trình cho vay. Lãnh đạo BIDV lấy ví dụ về dự án điện rác, đa số đều hiểu lĩnh vực này giúp giảm thiểu rủi ro môi trường nhưng khi đi sâu tìm hiểu thì loại hình này lại không nằm trong danh mục Tín dụng Xanh.

Còn bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch VPBank cũng cho biết do các quy định hành lang pháp lý đối với tín dụng Xanh vẫn còn thiếu và đối tượng khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên VPBank gặp nhiều khó khăn khi triển khai cho vay các dự án Xanh.

Để tháo gỡ khó khăn, qua đó giúp VPBank cũng như các ngân hàng khác phát triển mạnh mẽ tín dụng Xanh, bà Võ Phương Hằng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như ban hành “Khung định nghĩa thế nào là Xanh” để các ngân hàng có thể áp dụng cho vay các dự án Xanh.

Ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận hiện nay Việt Nam vẫn chưa có Danh mục phân loại Xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính Xanh.

“Nếu có danh mục phân loại Xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng thì tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều con số tín dụng Xanh hiện tại,” ông Quý khẳng định.

Các tổ chức tín dụng cho biết vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng về các danh mục tín dụng tài trợ cho dự án Xanh và phát triển bền vững. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, cũng theo ông Quý, các dự án đầu tư Xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy, các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay, trong khi thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực Xanh.

Tạo điều kiện phát triển Ngân hàng Xanh

Từ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, lãnh đạo BIDV đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, có nhiều chính sách thúc đẩy đối với các ngành nghề, lĩnh vực đáp ứng tiêu chí Tín dụng Xanh cũng như hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan ban ngành sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí về Tín dụng Xanh...

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Trần Anh Quý cho biết trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động về Tăng trưởng Xanh, chống biến đổi khí hậu, với vai trò nhiệm vụ, chức năng của ngành ngân hàng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hướng tới mục tiêu Tăng trưởng Xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Một số giải pháp trọng tâm như hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp Tín dụng Xanh đối với Danh mục phân loại Xanh quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Danh mục phân loại dự án được cấp Tín dụng Xanh, phát hành Trái phiếu Xanh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước theo dõi, hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức tín dụng xây dựng quy định nội bộ; đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ Tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững…

Lãnh đạo các tổ chức tín dụng kiến nghị cơ quan ban ngành sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí về tín dụng Xanh... (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để các cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực Xanh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành Danh mục phân loại Xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp Tín dụng Xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành Xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng Xanh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường Trái phiếu Xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án Xanh; sớm hoàn thiện Đề án Phát triển Thị trường Cacbon tại Việt Nam trong đó làm rõ vai trò tham gia của các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng trong triển khai, thực hiện…

Rõ ràng, cái lợi của việc đẩy mạnh Tín dụng Xanh đã nhìn thấy rõ. Thế nhưng, để nguồn vốn tín dụng này thực sự phát huy hiệu quả, góp phần vào việc đẩy nhanh tiến trình Xanh hóa nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, rất cần sự nỗ lực, chung tay của các bộ, ngành và đặc biệt là sự “dẫn dắt,” chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ trong việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, người dân và các ngân hàng cùng tham gia thực hiện để tiến tới đạt mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050, như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục