LOẠT BÀI “KINH TẾ XANH - TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

Bài 14: Tín dụng Xanh - “trụ đỡ” quan trọng để xanh hóa nền kinh tế

Trong số 12 lĩnh vực Xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp Xanh (31%).

Các ngân hàng đã dành nguồn vốn vào 12 lĩnh vực Xanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các ngân hàng đã dành nguồn vốn vào 12 lĩnh vực Xanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nguồn vốn ngân hàng vốn được coi là “huyến mạch” và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng “Xanh hóa” thì nguồn vốn “tín dụng Xanh” đóng vai trò làm “bà đỡ” sẽ góp phần tạo động lực, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, không gây hại cho môi trường.

Nguồn vốn “đổ vào” 12 lĩnh vực Xanh

Xác định tầm quan trọng của tín dụng Xanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03 vào năm 2015, trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng Xanh đối với các dự án có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động kinh doanh thân thiện môi trường.

Nhờ vậy, nếu như năm 2016, tổng dư nợ tín dụng Xanh tại Việt Nam mới chỉ đạt gần 85.000 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế thì đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng Xanh đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong số 12 lĩnh vực Xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp Xanh (31%).

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh hiện nay Xanh hóa nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội. Trong số đó, tín dụng Xanh, ngân hàng Xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

Ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước) cũng khẳng định ngay từ khá sớm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình tín dụng Xanh thuộc một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp Xanh, lâm nghiệp, nhà ở và môi trường.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018-2019, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế. Đây được xem là cẩm nang giúp các tổ chức tín dụng nhận diện và chủ động quản lý các rủi ro môi trường-xã hội có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án được cấp tín dụng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

NHNN.jpg
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng Xanh đối với các dự án có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động kinh doanh thân thiện môi trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan được giao đầu mối xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục phân loại Xanh quốc gia nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi để triển khai các công cụ kinh tế hỗ trợ tăng trưởng xanh quốc gia, bao gồm hoạt động tài trợ xanh của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, dự án nhằm phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, góp phần phục vụ tăng trưởng Xanh như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán, triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, phát triển phương tiện và các dịch vụ thanh toán qua Internet, qua di động, qua mã QR Code…

Thúc đẩy tín dụng Xanh phát triển bền vững

Là một trong những ngân hàng lớn nhất hệ thống và luôn tiên phong triển khai các chương trình của Chính phủ, của ngành Ngân hàng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xác định rõ các hoạt động tài chính bền vững, tài trợ dự án Xanh, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu là những nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của toàn hệ thống.

Ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết việc triển khai cho vay các dự án Xanh tại BIDV diễn ra từ khá sớm, đặc biệt là các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo. Cách đây 10 năm, BIDV đã tập trung đầu tư vào các dự án điện gió và điện Mặt Trời. BIDV cũng đã đưa chiến lược tăng trưởng Xanh vào trong chiến lược kinh doanh. Ngoài ra, để cụ thể hóa tài trợ dự án Xanh, BIDV đã ban hành Khung Quản lý rủi ro môi trường xã hội (khung ESMS) vào năm 2018, Khung Khoản vay Bền vững (tháng 2/2023), quy định về Quản lý rủi ro về Môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (tháng 5/2023), Khung Trái phiếu Xanh (tháng 10/2023)…

Anh_minh_hoa_.jpg.jpg
Lãnh đạo BIDV cho biết việc triển khai cho vay các dự án Xanh diễn ra từ khá sớm và cũng là ngân hàng đầu tiên ban hành Khung trái phiếu Xanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với những bước đi như vậy, BIDV đang là ngân hàng tài trợ các dự án Xanh lớn nhất trong hệ thống. Tính đến ngày 30/9, BIDV đã tài trợ cho khoảng 1.500 khách hàng, với 1.900 dự án/phương án tín dụng Xanh với tổng dư nợ lên tới 71.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 5% tổng dư nợ của BIDV, tăng 11% so với năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng Ban định chế tài chính của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng cho biết xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank đã tích hợp chiến lược phát triển Xanh trong chiến lược phát triển của ngân hàng. Agribank có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên việc phát triển tín dụng Xanh rất quan trọng.

Hiện ngân hàng đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong nông nghiệp nông thôn; trong đó luôn ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án Xanh, phát triển các dự án Xanh là một trong những mắt xích quan trọng chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải.

Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)… mang lại sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Ảnh 5.JPEG
Agribank cũng xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch cho biết VPBank cũng triển khai tài trợ cho các dự án Xanh từ khá sớm đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào các doanh nghiệp có dự án tiết kiệm năng lượng. Tổng vốn tài trợ cho các dự án Xanh tại VPBank đạt khoảng 500 triệu USD và hiện ngân hàng đang có nhiều cơ hội để huy động các dòng vốn quốc tế cho các dự án Xanh tại Việt Nam.

Ngoài một số ngân hàng nêu trên, hiện có khá nhiều tổ chức tín dụng khác cũng đang tích cực dành nhiều nguồn vốn ưu đãi tín dụng Xanh cho các doanh nghiệp như VietinBank, MB, ACB, HDBank, OCB, TPBank…

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, song giới chuyên môn nhận định việc triển khai nguồn vốn tín dụng Xanh vẫn còn gặp nhiều trở ngại, từ cơ chế chính sách chung cho tới thực tế cho vay tại các ngân hàng thương mại. Vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp “thời ơ,” chưa mặn mà tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển các dự án Xanh./.

Theo Nguyên tắc tín dụng xanh được ban hành vào năm 2018 (gọi tắt là GLP 2018) bởi Hiệp hội thị trường tín dụng (Loan market Association) và Hiệp hội thị trường Tín dụng châu Á-Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association), “tín dụng Xanh” là bất kỳ loại cho vay nào được cung cấp riêng để cấp vốn hoặc tái cấp vốn toàn bộ hoặc một phần các dự án xanh đủ điều kiện mới và/hoặc hiện có. Danh mục theo GLP 2018 bao gồm: Năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng hiệu quả; giao thông xanh; sản phẩm, các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường và/hoặc thích nghi với nền kinh tế; quản lý nước bền vững và xử lý nước thải; tòa nhà xanh; nông lâm nghiệp bền vững; ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm.

Tại Việt Nam, theo Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định về tín dụng xanh như sau: Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho các dự án đầu tư sau: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lí chất thải; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tạo ra lợi ích khác về môi trường.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục