Nhiều rào cản, ngân hàng chưa 'mặn mà' bơm vốn cho tín dụng xanh

Do nhiều dự án năng lượng tái tạo phải đáp ứng được những điều kiện môi trường xã hội khá khắt khe, thời gian thu hồi vốn lâu, lãi thấp nên các ngân hàng không mặn mà cho vay.
Nhiều rào cản, ngân hàng chưa 'mặn mà' bơm vốn cho tín dụng xanh ảnh 1Những tấm pin năng lượng Mặt Trời. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Trong khi tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán ngày càng bị siết chặt, bên cạnh việc ưu tiên cho vay để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh việc rót vốn vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng Mặt Trời, các dự án thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ngân hàng chưa “mặn mà” cho vay vào lĩnh vực này vì theo quy định, những dự án xanh phải đáp ứng được những điều kiện môi trường xã hội khá khắt khe, tính thẩm định theo đó cũng rất phức tạp đòi hỏi ở mỗi ngân hàng buộc phải có một bộ phận chuyên biệt để thẩm định những dự án dạng này.

Cơ hội từ tăng trưởng xanh

Việt Nam đã và đang có những chủ trương, chính sách đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong các năm gần đây cũng như sự quan tâm của các tổ chức tài chính đến Việt Nam ngày càng nhiều.

Mới đây nhất, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) vừa diễn ra vào đầu tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050."

[IFC hỗ trợ OCB 100 triệu USD mở rộng tín dụng xanh tại Việt Nam]

Đây là một cam kết quan trọng và có lợi cho Việt Nam trong tiến trình đồng hành cùng các quốc gia khác đạt mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Qua đó, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo.

Ngay trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ngân hàng Standard Chartered đã cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các dự án xanh mà Tập đoàn T&T Group triển khai tại Việt Nam. Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cùng Quỹ Đầu tư Quốc tế (Affinity) và Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp (Proparco) cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ và huy động vốn trị giá 400 triệu USD nhằm tài trợ cho các chương trình phát triển bền vững, tài trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trước đó, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cung cấp 100 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ dự án năng lượng xanh; Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đã tài trợ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 212 triệu USD hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường.

Trong số các ngân hàng thương mại đang triển khai định hướng tập trung tăng trưởng tín dụng xanh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) được biết đến là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng.

Hiện nay, quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng khá lớn trong tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn hàng. Dự kiến tỷ trọng cuối năm 2021 đạt 7,8%/tổng dư nợ và tiếp tục tăng lên tối thiểu 8% trong 3 năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết: “OCB đã có chủ trương phát triển tín dụng xanh từ năm 2015 và bắt đầu đẩy mạnh từ năm 2018. Cho đến nay, với sự đồng hành, tài trợ của 2 tổ chức tài chính lớn là ADB và IFC, đặc biệt 2 tổ chức này vừa tăng hạn mức tài trợ cho OCB vào giữa năm 2021 cho thấy sự đánh giá cao của các tổ chức tài chính quốc tế đối với chương trình tín dụng xanh của OCB.”

Nhiều rào cản, ngân hàng chưa 'mặn mà' bơm vốn cho tín dụng xanh ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng chia sẻ ngân hàng đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 5,5%-6%/năm đối với khách hàng có nhu cầu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực "xanh" hoặc có quy trình hoạt động không gây ảnh hưởng, có khả năng bảo vệ tài nguyên, môi trường... cùng một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên khác.

Gỡ nút thắt, khơi thông tín dụng xanh

Dù vậy, đến nay tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn và chủ yếu chỉ tập trung ở một ngân hàng có quy mô lớn. Nhiều ngân hàng còn mơ hồ, chưa bắt tay vào “xanh hóa” nền kinh tế...

Nguyên nhân là do việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn.

Ngoài ra, các chỉ tiêu cụ thể để phân loại ngành, lĩnh vực chưa cụ thể, năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu. Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền từ chối mua trong hợp đồng mua bán điện, dẫn tới khó thẩm định chính xác được doanh thu của dự án trong quá trình thẩm định tín dụng...

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng xanh hiện tại chỉ nằm trong tay các ngân hàng lớn. Đối với hệ thống ngân hàng, tín dụng xanh ở thời điểm này vẫn rất hạn chế. Các ngân hàng nhỏ không có nguồn vốn dài hạn để có thể phục vụ các dự án lớn, lâu dài như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch... Ngoài ra, các dự án này đòi hỏi tính thẩm định các dự án rất phức tạp. Ngân hàng nhỏ không có bộ phận chuyên môn để thẩm định các dự án lớn, như về năng lượng Mặt Trời, gió.

Đồng quan điểm, tiến sỹ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cũng cho rằng thách thức của việc thúc đẩy tín dụng xanh nằm ở việc những dự án về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… thường đòi hỏi nguồn vốn khá lớn trong một thời gian dài từ 11-15 năm, thời gian dài sẽ kéo theo lãi suất lớn.

Cách đây hơn 10 năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) từng khởi xướng hoạt động cấp tín dụng xanh cho các dự án tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó chương trình này bị chìm vào quên lãng.

Mặc dù được ưu tiên cho vay vào lĩnh vực năng lượng sạch nhưng chuyên gia vẫn cho rằng các ngân hàng cần cẩn trọng, không nên cho vay ồ ạt vào lĩnh vực này để tránh vấp phải vết xe đổ các dự án BOT giao thông trước đó.

Chính vì vậy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại Nhà nước cho biết, từ bài học BOT, ngân hàng chỉ cho vay các dự án liên quan đến năng lượng sạch có hồ sơ pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư có vốn đối ứng tối thiểu 30%, nằm trong quy hoạch địa phương, thi công đạt tiến độ.

Để giải quyết được khó khăn trên, các chuyên gia đề xuất Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam; nhanh chóng xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng được hỗ trợ các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục