Bài 2: Phạm Anh Đạo: “Nghệ nhân gàn dở” đi “ngược chiều gió”

Khi tìm hiểu những nghệ nhân còn làm gốm theo phương thức thủ công truyền thống ở Bát Tràng, tôi được rỉ tai, chỉ còn duy nhất Phạm Anh Đạo thôi. Và quả thực, Đạo khác biệt như chính những gì anh làm.
Đôi bàn tay của người thợ vuốt gốm thủ công Phạm Anh Đạo. (Ảnh: Mỹ Trinh/Vietnam+)
Đôi bàn tay của người thợ vuốt gốm thủ công Phạm Anh Đạo. (Ảnh: Mỹ Trinh/Vietnam+)

Vài tia nắng vàng của mùa Đông rét ngọt Hà Nội xiên qua mái xưởng, rọi vào những hàng xương gốm đang phơi mình đợi ngày chồng lò rồi rơi tõm xuống đôi tay lấm lem đang nhồi đất của Đạo.

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo, người con của làng gốm Bát Tràng, tôi chỉ muốn gọi đơn giản là Đạo, đúng như con người ấy, mộc mạc, chân thành và quá đỗi giản đơn trong cách nghĩ, cách sống… Thế mà, người làng cứ gán cho anh cái danh “Đạo điếc gàn dở.”

[Photo] Phạm Anh Đạo: 'Gã điên ngược đời' của làng gốm Bát Tràng]

Bởi Đạo giống với tên gọi của mình, như con đường thẳng tăm tắp, chẳng bận tâm thế sự ra sao, mọi người xung quanh sống thế nào. Đạo cứ mình một lối, mải mê vê vuốt trên chiếc bàn xoay cũ kỹ mà do cơ chế thị trường đã chẳng người làng Bát Tràng nào còn làm như Đạo.

Đạo bỗng thành của hiếm, khác người.

“Của quý” của làng Bát Tràng

Khi tìm hiểu về những nghệ nhân còn làm gốm theo phương thức thủ công truyền thống ở làng cổ Bát Tràng, tôi được người ta rỉ tai rằng, chỉ còn duy nhất Phạm Anh Đạo thôi. Thế là lần theo các mối quan hệ, nhờ kết nối để gặp bằng được anh.

Bài 2: Phạm Anh Đạo: “Nghệ nhân gàn dở” đi “ngược chiều gió” ảnh 1"Của hiếm" của làng nghề Bát Tràng. (Ảnh: Mỹ Trinh/Vietnam+)

Con người ấy, lành như cục đất, thứ mà Đạo tiếp xúc hàng ngày. Có lẽ, Đạo sinh ra để thuộc về gốm hoặc ngược lại, đất, gốm cần qua tay Đạo để thành vàng. Chỉ quan sát cách Đạo nặn, vuốt, tạo hình và toàn tâm toàn ý trên bàn xoay… cũng đủ để thấy gốm là lẽ sống, là hơi thở của người con Bát Tràng ấy.

Ngày bé, sinh ra chỉ nặng hơn một cân nên Đạo “dặt dẹo” lắm, như dải khoai vắt vai mẹ. Trong khi cậu em sinh đôi lớn lên nhanh nhẹn, hoạt bát thì Đạo cứ khù khờ, chậm chạp. Sau trận sốt cao, Đạo gần như mất đi thính giác. Vì thế lớn lên ngôn ngữ của Đạo cũng kém. Cha mẹ thấy Đạo thiệt thòi thì thương nhưng cũng không biết phải làm sao, còn tưởng phải “nuôi báo cô” cả đời.

Ấy vậy mà lớn lên, Đạo lại khiến cả nhà ngạc nhiên vì khả năng tạo hình với gốm. Khi ngồi vào bàn xoay Đạo như biến thành con người khác. Tuy gần như không biết bày tỏ bằng lời nói nhưng tất cả dường như được Đạo dồn cả vào gốm, mọi biểu đạt đều bằng ngôn ngữ gốm.

Mỗi thế dáng, mỗi đường nét, mỗi nhịp ngắt/nghỉ trên bàn xoay… đều là ngôn ngữ của Đạo. Để rồi từ đó ra đời những sản phẩm, những tác phẩm nghệ thuật ít màu mè nhưng có hồn và mang đầy cảm xúc.

Đặc biệt nhất phải kể đến là cặp chóe Tứ Linh của Đạo làm dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nhận bằng Kỷ lục Việt Nam và được công nhận: “Cặp chóe Tứ linh đắp nổi được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất.” Cặp chóe cao 2,5 mét mất hơn một năm mới hoàn thiện và sau đó được bán đấu giá 6 tỷ 50 triệu đồng, hiện trưng bày tại Trung tâm đấu giá Lạc Việt.

Bài 2: Phạm Anh Đạo: “Nghệ nhân gàn dở” đi “ngược chiều gió” ảnh 2Ngày ngày Đạo vẫn mải mê vê vuốt gốm để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Trong vóc dáng nhỏ bé của Đạo, từ ánh mắt lúc tập trung vuốt gốm, tôi chỉ cảm nhận được duy nhất một điều: Đạo làm chỉ để thỏa mãn niềm đam mê bất tận dành cho gốm. Với con người ấy, chỉ cần đôi bàn tay với nắm đất và chiếc bàn xoay là có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật.

Sinh trưởng trong chiếc nôi gia đình nhiều đời làm gốm của làng nghề Bát Tràng, từ bé Đạo đã được xem ông và bố nặn, vuốt. Có lẽ, niềm đam mê gốm đã nhen nhóm từ ngày đó. Cho đến năm 17 tuổi, Đạo chính thức bắt đầu con đường nối nghiệp gia đình.

Sau này, người làng hầu như không còn sử dụng phương pháp làm gốm thủ công truyền thống nữa mà chuyển sang gốm công nghiệp. Bởi với dây chuyền sản xuất hàng loạt, một mẻ gốm sẽ cho ra hàng nghìn sản phẩm, năng suất cao thì kinh tế ổn định. Trong khi đó, lối thủ công cũ, người thợ còng lưng mỗi ngày bên bàn xoay, liệu nặn được bao nhiêu?

Trước thực tế khắc nghiệt này, có quãng thời gian hai vợ chồng Đạo cũng nản và tính chuyển hướng “giống người ta,” thì được bố là nghệ nhân dân gian Phạm Văn Huy động viên: “Đạo ơi, con không cần làm những thứ màu mè lòe loẹt, bóng bẩy như ngoài chợ. Gốm Việt phải là những thứ như bố và con đang làm đây này.” [Chính là đồ gốm thời bao cấp, phục chế gốm cổ làng Bát tràng như thạp hoa nâu, chóe… từ hoa văn, họa tiết, men lam, men rạn, kiểu dáng và một số sản phẩm hiện đại theo phương pháp thủ công – PV]

Đây cũng là giai đoạn gia đình Đạo gặp khó vì phải đấu tranh giữa việc giữ gìn truyền thống với tạo sinh kế. Và đương nhiên, một người như Đạo, sẽ chọn đi “ngược chiều gió.”

Bài 2: Phạm Anh Đạo: “Nghệ nhân gàn dở” đi “ngược chiều gió” ảnh 3Với con người ấy, chỉ cần đôi bàn tay với nắm đất và chiếc bàn xoay là có thể tạo nên những sản phẩm khác biệt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Người đi “ngược chiều gió”

Làm gốm thủ công sản lượng ít mà giá thành lại cao, thị trường hẹp, để sống được bằng nghề như bây giờ, chị Mỹ Trinh, vợ Đạo cho biết đã phải rất vất vả và đau đầu cân đối bài toán kinh tế, làm sao để chồng vừa được làm nghề để thỏa mãn đam mê, giữ được tinh hoa vốn cổ mà vẫn đủ trang trải cho gia đình, vận hành xưởng, nuôi nhân công.

“Những ngày đầu khó khăn lắm. Bởi với gốm công nghiệp, họ có thể sản xuất tới 10 lò mỗi tháng, còn gốm thủ công mỗi tháng có khi chỉ được 1-2 lò, nên tôi phải cân đối làm sao để thị trường chấp nhận sản phẩm nhà mình, bán được để duy trì cuộc sống. Vì mỗi chiếc cốc, với gốm công nghiệp sản xuất hàng loạt có thể bán giá 50.000 đồng, nhưng gốm thủ công sản lượng cực ít phải bán tới 150.000-200.000 đồng. Liệu với giá đó thị trường có chấp nhận được không?” chị Mỹ Trinh nói.

Chị Mỹ Trinh đưa ánh mắt trìu mến nhìn anh chồng đang rít thuốc lào bên cạnh rồi bảo, “vấn đề của Đạo là không quan tâm tới việc định giá, mà chỉ cần được sáng tạo, thậm chí khách đến còn biếu, tặng chứ không bán. Hàng ngày, Đạo chỉ cần biết đến làm sao thỏa mãn đam mê làm gốm của mình. Đạo là một nghệ sỹ đích thực.”

Bên chiếc bàn xoay hôm ấy, tôi hỏi Đạo, là người chọn đi “ngược chiều gió,” nói thật xem, có khi nào đó anh cảm thấy cô đơn và muốn buông bỏ không?

Bài 2: Phạm Anh Đạo: “Nghệ nhân gàn dở” đi “ngược chiều gió” ảnh 4Bên trong xưởng làm việc của nghệ nhân Phạm Anh Đạo. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ý Đạo nói, tôi hiểu rằng chưa bao giờ anh cảm thấy cô đơn trên con đường độc đạo này. Bởi ngay từ đầu khi chọn gốm thủ công theo phương pháp truyền thống, dẫu biết đi ngược với xu thế đương đại, khó khăn không thể tránh nhưng vợ chính là người đã luôn ở bên động viên Đạo, chia sẻ để cùng vượt qua “bĩ cực.”

Và tôi cũng tin chẳng bao giờ Đạo cô đơn, bởi người như Đạo, vốn chỉ cần sống bằng đam mê, khả năng nghe lại còn kém thì chuyện người đời nói gì, dèm pha gì, chẳng thể khiến anh bận lòng.

Nỗi lòng người vợ có ông chồng “gàn”

Thời gian đầu những sản phẩm thủ công làm ra chưa được thị trường đón nhận, thậm chí người dân trong làng còn xì xèo Đạo là gàn dở, là điên. Những lời khó nghe, thực ra vợ anh là người “hứng” cả.

“Lúc đó, tôi tủi thân lắm vì nghĩ tội chồng, chỉ biết cặm cụi làm gốm mà suốt ngày bị thiên hạ nói gốm xù xì xấu xí như thế thì bán cho ma, đi ngược với nhu cầu thị trường thế thì tồn tại thế nào? Nhưng tôi vẫn vững lòng tin bởi gốm thủ công là sản phẩm đơn chiếc, mỗi sản phẩm đều chứa đựng tâm huyết và cảm xúc của người thợ nên sẽ có người hiểu giá trị. Thậm chí như Nhật Bản, công nghệ cao như thế nhưng họ vẫn gìn giữ phương pháp làm gốm thủ công đấy thôi,” chị Mỹ Trinh rơm rớm khi nhớ lại chặng đường đã trải qua cùng chồng.

Bài 2: Phạm Anh Đạo: “Nghệ nhân gàn dở” đi “ngược chiều gió” ảnh 5Showroom gốm khiêm tốn của Phạm Anh Đạo ở trung tâm chợ Bát Tràng. (Ảnh: Mỹ Trinh/Vietnam+)

Ngày mới bán sản phẩm chồng làm, chị Mỹ Trinh còn chưa biết marketing, giới thiệu sản phẩm ra sao để lan tỏa tới nhiều người tiêu dùng. Bày gốm ra bán mà người làng đi qua quay lưng bĩu môi. Thời điểm đó thực sự là thách thức lớn với người vợ tảo tần của Đạo.

Sau đó, giới nghệ sỹ, họa sỹ như Lê Thiết Cương, Minh Hiếu… bắt đầu biết gốm Đạo đã tìm đến kết hợp làm các chương trình triển lãm. Đạo tạo dáng sản phẩm và sau đó các họa sỹ vẽ lên. Gốm Đạo trở thành toan vẽ một cách đầy sáng tạo như thế.

Dần dà mọi người nhận ra sự khác biệt của gốm Đạo chính là tâm hồn người nghệ sỹ đặt để trong việc sáng tạo mỗi tác phẩm, sản phẩm. Nhiều người bắt đầu yêu mến gốm Đạo và nhờ đó gia đình có nguồn thu ổn định. Chị Mỹ Trinh giờ yên tâm quán xuyến gia đình, chăm lo con cái cũng như vận hành xưởng gốm.

Bài 2: Phạm Anh Đạo: “Nghệ nhân gàn dở” đi “ngược chiều gió” ảnh 6Một sản phẩm gốm của Phạm Anh Đạo. (Ảnh: Mỹ Trinh/Vietnam+)

Gần 2 thập kỷ gắn bó với “nghệ nhân gàn dở” của làng gốm Bát Tràng, nhìn lại chặng đường gian nan, vất vả đã vượt qua cùng chồng, giờ đây chị Mỹ Trinh đã có thể thở phào.

Chị bảo: “Tôi nghĩ mình đúng là phụ nữ nghị lực vì gắn bó với anh Đạo chừng ấy thời gian, với người mà như mọi người nói là ‘gàn dở.’ Nhiều lúc bức xúc lắm nhưng rồi cuối cùng cái mình nhận được là biết bao niềm tin yêu cũng như cảm phục, cảm mến của bạn bè, của khách hàng dành cho anh Đạo. Điều đó trở thành nguồn động viên lớn vô cùng, giúp hai vợ chồng tiếp tục thực hiện những dự định trong tương lai.”

Nói đến đây thì chị Mỹ Trinh chực khóc, nhưng tôi tin đó là giọt nước mắt của người vợ đang hạnh phúc, viên mãn; giọt nước mắt của người vợ đồng cam cộng khổ với chồng cả chặng đường dài nay đã đến hồi “thái lai”.

Chân dung nghệ nhân ưu tú Phạm Anh Đạo:

Bài 3: Nghệ nhân ưu tú Trần Tước: Dấu ấn khác biệt của gốm Việt

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục