Hàng Việt đi đâu, về đâu khi lòng tin khách hàng bị phản bội?

Bài 3: Hàng Việt đi đâu, về đâu khi lòng tin khách hàng bị phản bội?

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình, hàng Việt Nam sẽ đi đâu, về đâu khi mà cứ thỉnh thoảng, người ta lại được nghe thấy những vụ việc lừa dối người tiêu dùng ngày một trắng trợn.
Bài 3: Hàng Việt đi đâu, về đâu khi lòng tin khách hàng bị phản bội? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+))

Việc gây dựng một thương hiệu lớn là cả một quá trình phấn đấu qua nhiều năm mà trong đó, yếu tố quyết định chính là từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Nhưng nhìn lại Việt Nam, khi cả 2 yếu tố này đều yếu, niềm tin của người tiêu dùng đương nhiên sẽ hướng về nơi xa hơn, là hàng ngoại nhập.

Câu nói bấy lâu đánh giá về người Việt “sính hàng ngoại” có phần nào vẫn đúng nhưng điều này theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình xuất phát bởi “người dùng muốn mua hàng xuất xứ rõ ràng nhưng không tin được… ông nào.”

Hàng Việt Nam sẽ đi đâu, về đâu khi mà cứ thỉnh thoảng, người ta lại được nghe thấy những vụ việc lừa dối người tiêu dùng ngày một trắng trợn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình đã có cuộc trao đổi kỹ hơn với phóng viên VietnamPlus về câu chuyện đạo đức kinh doanh.

[Hàng Trung Quốc bán chạy ở Việt Nam nhờ “đội lốt” hàng Nhật]

“Cái gì cũng phải ‘xách tay’”

- Một loạt vụ việc gần đây đặc biệt là Khaisilk thay đổi nhãn mác, lừa dối người tiêu dùng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về sự xuống cấp trầm trọng trong đạo đức kinh doanh. Ông có lo người tiêu dùng sẽ mất lòng tin vào hàng Việt Nam?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Thế nào là đạo đức kinh doanh, đó là phải tuyên bố đúng sản phẩm, xuất xứ, ví dụ xuất xứ Trung Quốc thì phải tuyên bố đúng. Kinh doanh là gì, là chữ tín, nhiều khi người mua hàng không thể hiểu biết bằng người bán hàng, bởi thế người bán trước hết phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh. Không thể có chuyện anh thấy người khác lộn xộn thì mình cũng lộn xộn để cạnh tranh.

Tôi cho rằng, mục tiêu của doanh nghiệp là hướng tới lợi nhuận, người ta sẽ tìm phương án tạo ra lợi nhuận dễ mà không bị trị trừng phạt nghiêm khắc. Vấn đề là người có đạo đức kinh doanh, công bố rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng tử tế có khi lại bị thua thiệt.

Ví dụ như hai người bán hàng đều công bố xuất xứ Nhật Bản, người kia bán chỉ vài trăm nghìn đồng một sản phẩm, tôi thì bán đúng giá 1,5 triệu đồng nên có khi lại không bán được hàng. Đơn giản vì 1 là hàng nhái, 1 là hàng thật. Tôi nghĩ để phân biệt thì có khi 95% người dùng không biết, chỉ có người chuyên nghiệp mới nhận ra.

Người dùng đương nhiên luôn ham rẻ. Còn ngược lại, người muốn mua đắt nhưng hàng có xuất xứ rõ ràng nhưng có khi lại không tin được… ông nào nữa. Vì đến Khaisilk, một đại gia nói nhiều về đạo đức, nổi tiếng tay không lập nghiệp mà còn lừa dối người dùng thì người dùng tin được ai. Từ đó, thành ra… cái gì cũng phải “xách tay.”

[Vụ Khaisilk: Cơ quan quản lý bị bịt mắt hay… tự nhắm mắt?]

- Ông có nói tới hàng xách tay, lâu nay, người ta vẫn nói người Việt Nam sính hàng ngoại. Vậy thực sự, người Việt Nam sính thật hay đó là phản ứng hợp lý của người tiêu dùng khi không có niềm tin vào hàng nội, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Điều này kinh tế học chứng minh rồi. Người ta sẽ bỏ tiền ra mua một sản phẩm nào đó mà người đó cho là mang lại lợi ích, sự thỏa mãn khi sử dụng cao hơn chi phí mua sản phẩm đó. Hoặc, trường hợp khác là trong một số lựa chọn nhất định thì sản phẩm đó có ưu thế so với chi phí hoặc điều kiện kinh tế của người mua.

Có thời kỳ người Việt Nam sính hàng ngoại vì nền sản xuất trong nước còn kém. Tuy nhiên, sau đó, nhiều sản phẩm may mặc, đồ gỗ trong nước được người Việt chọn nhiều. Điều đó chứng tỏ người Việt không nhất thiết phải chọn hàng nước ngoài mà người ta căn cứ vào chi phí, chất lượng và giá cả sản phẩm.

Tóm lại, người Việt Nam sính hàng ngoại vì chất lượng sản phẩm của hàng Việt chưa tạo sự tin cậy cao trong mắt khách hàng. Mà để gây dựng giá trị cao thì người bán phải xây dựng thương hiệu trong nhiều năm để cam kết sản phẩm của mình đứng như những gì quảng cáo.

Một sản phẩm xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu, chất lượng có thể như Việt Nam nhưng giá đắt gấp 3 lần. Đó là vì sao, vì họ xây dựng thương hiệu và tạo được lòng tin với thương hiệu đó. Bởi thế, việc người dùng trả giá cao cho một sản phẩm hay sính ngoại thì còn yếu tố thương hiệu nữa chứ không chỉ là chất lượng sản phẩm.

Việc gây dựng thương hiệu là lâu dài chứ không phải làm ăn chộp giật, mở công ty ra một vài năm xong lại mở công ty khác, cứ thế thì không thể tạo ra thương hiệu lớn. Muốn tạo thương hiệu lớn thì chủ chốt phải từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Bài 3: Hàng Việt đi đâu, về đâu khi lòng tin khách hàng bị phản bội? ảnh 2Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Nâng chất cho doanh nghiệp, vẫn đợi Nhà nước?

- Nói về cơ quan quản lý, theo ông, yếu tố này quyết định tới đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp ra sao?

[Làm ăn 'chụp giật': Doanh nghiệp tự 'bắn' vào chân mình?]

Ông Nguyễn Thanh Bình: Vai trò cả Nhà nước là quan trọng. Khi doanh nghiệp làm bậy mà không bị trừng phạt nghiêm minh thì rõ ràng người ta sẽ làm bậy vì lợi ích thu được lớn hơn nhiều giá phải trả. Ví dụ như vụ Khaisilk, doanh nghiệp kinh doanh bao nhiêu năm, kiếm lãi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của người dùng. Nếu cơ quan Nhà nước không làm điểm vụ này thì sẽ dẫn tới tất cả các nhà kinh doanh khác thấy là sự trừng phạt không nghiêm nên sẽ tiếp tục làm ăn như vậy.

Các nước họ xử lý ra sao? Có cảm giác họ không cần kiểm soát chặt chẽ nhưng thực tế, khi phát hiện ra vụ việc vi phạm thì cả danh tiếng và tài sản của doanh nghiệp đó gần như sẽ chấm hết. Doanh nghiệp gần như chấm dứt sự nghiệp kinh doanh. Người ta đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu.

Vai trò của Nhà nước vì thế là một trong những vai trò quan trọng nhất trong đạo đức kinh doanh. Nhà nước làm tốt thì dần dần sẽ nâng chất của doanh nghiệp lên. Người dùng cũng sẽ tin tưởng hơn vào hệ thống cung cấp và Nhà nước.


- Như ông nói, ở Việt Nam, người làm ăn chân chính có khi lại bị thiệt, có khi bị coi là có vấn đề. Vậy, việc đề cao đạo đức trong kinh doanh với Việt Nam có cần thiết không hay trong giai đoạn này, yếu tố nào quan trọng hơn?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Tôi thì nghĩ vấn đề đạo đức thì xã hội nào cũng cần tuy nhiên cái đó không tự tới. Ta muốn nâng cao đạo đức thì phải rất lâu, phải làm cho người ta hiểu, trong thực tiễn kinh doanh, nếu không làm đạo đức thì phải trả giá, thậm chí trả giá rất đắt, sẽ bị khuynh gia bại sản. Các nước có chế tài rất nghiêm, gắn trách nhiệm của người có chức, có quyền vào trong sự việc cụ thể.

Với Việt Nam, chức năng giám sát ở nhiều lĩnh vực là quá yếu kém. Nguyên nhân có khi do nể nang, lờ đi cho nhau, xuê xoa cho nhau. Chỉ đơn cử như các mặt hàng ở siêu thị, chúng ta không biết là bao lâu phải kiểm định một lần, phương pháp kiểm định là gì, công bố sau đó ra sao.

Ta phải xem xét hệ thống của mình, nếu không làm tốt mà mất chức thì tôi tin là nhiều người sẽ phải làm tốt.

Tất nhiên, ví dụ với công chức Singapore, họ nổi tiếng làm nghiêm nhưng thu nhập họ cao. Còn với Việt Nam, nền kinh tế còn nhiều vấn đề và cần có lộ trình cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã nói một câu rất hay là: Chính phủ kiến tạo, tức là tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, là đưa ra chính sách để doanh nghiệp tử tế phát triển. Tất nhiên, hiệu quả tới đâu thì sẽ phải đợi thực tiễn.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục