Kết quả kiểm tra Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khải Đức đã được Bộ Công Thương thông báo hôm nay (12/12).
[Vì sao phải chuyển hồ sơ vụ khăn lụa Khaisilk sang cơ quan điều tra]
Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, trong giai đoạn 2006 - 2009, Công ty có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, Công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.
Từ năm 2012 đến nay, Công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.
Bộ Công Thương cho biết, Công ty đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho thấy cho kết quả kiểm tra khác (Không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).
Bên cạnh đó, Công ty đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể, một số hóa đơn do Công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa.
Ngoài ra, một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, Công ty đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.
Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Bộ Công Thương cho rừng, Công ty đã có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác.
Đồng thời, Công ty đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này.
Căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đồng thời đôn đốc, theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của Công ty theo thẩm quyền.
Trước đó, theo báo cáo của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau khi kiểm tra cửa hàng kinh doanh hàng dệt may tại 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể số 01c8003643 do Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cấp.
Bước đầu bà Nguyễn Thị Thu Nga thừa nhận, mặc dù chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất song do sơ xuất trong khâu quản lý trong dịp ngày 20/10 vừa qua và do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China" sau đó khâu đính nhãn "KhaiSilk Made in Việt Nam" để bán cho khách hàng.
Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn chỉ dẫn giả mạo xuất xứ là 60 chiếc, cơ sở đã bán 4 chiếc hiện còn tồn 56 chiếc. Hiện giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc nên tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số hàng hóa này để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 31/10/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 4138/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), Bộ Khoa học và Công nghệ (Thanh tra Bộ), Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng), Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng để tiếp tục làm rõ sai phạm của doanh nghiệp này./.