Bài 3: “Túm tóc” chủ shop online: Phải giải bài toán bảo mật thông tin

Ngành thuế dự định phối hợp với các nhà mạng để xác định địa chỉ kinh doanh của cá nhân, xác định danh tính cá nhân. Thế nhưng, câu chuyện xác định thông tin chưa hẳn đã dễ dàng.
Bài 3: “Túm tóc” chủ shop online: Phải giải bài toán bảo mật thông tin ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Huffingtonpost.com)

Trong các phương cách để thu bằng được thuế của các chủ gian hàng trên Facebook, ngành thuế định phối hợp với các nhà mạng để xác định địa chỉ kinh doanh của cá nhân, xác định danh tính cá nhân, số tài khoản ngân hàng, phương thức giao hàng,....

Thế nhưng, câu chuyện xác định thông tin chưa hẳn đã dễ dàng như ngành thuế nghĩ…

Nhà mạng than khó

Mới đây, Tổng cục Thuế đã ra văn bản số 2623/TCT-CS gửi các cục thuế địa phương, trong đó nhấn mạnh tới việc phối hợp với các nhà mạng để phối hợp lấy thông tin về người bán hàng.

Cụ thể, ở trường hợp cá nhân kinh doanh có địa điểm cố định và việc quảng cáo trên mạng chỉ là một trong những hình thức mở rộng khách hàng, cơ quan thuế cần phối hợp với các nhà mạng để xác định địa chỉ kinh doanh của cá nhân. Ngoài ra, cơ quan thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường để đưa vào diện quản lý thuế nếu còn bỏ sót. Đối với trường hợp đã thuộc diện quản lý thì cập nhật thông tin về giao dịch trên mạng của cơ sở kinh doanh để làm cơ sở điều chỉnh tăng doanh thu kinh doanh nếu chưa phù hợp.

Trong khi đó, với cá nhân kinh doanh không có địa điểm cố định, chỉ có địa chỉ trên mạng và số tài khoản của cá nhân, bán hàng theo hình thức giao hàng tận nơi, cơ quan thuế cần phối hợp với các nhà mạng để xác định danh tính cá nhân, số tài khoản ngân hàng, phương thức giao hàng để yêu cầu cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Trả lời phóng viên VietnamPlus, một số doanh nghiệp viễn thông cho biết họ chưa nhận được văn bản của ngành thuế.

Đại diện CMC Telecom cho hay, trong trường hợp ngành thuế có yêu cầu, đơn vị này cũng khó có thể cung cấp đầy đủ thông tin. Bởi lẽ, trong hợp đồng cung cấp dịch vụ của CMC Telecom với khách hàng, không có những thông tin chi tiết về quy trình, bí quyết kinh doanh của khách hàng như địa điểm kinh doanh cố định hay không? Phương thức giao hàng thế nào? Số tài khoản giao dịch cá nhân?...

Về mặt kỹ thuật, nếu cơ quan thuế có yêu cầu, CMC Telecom sẽ phải gửi công văn đến từng khách hàng cung cấp thông tin nếu có hướng dẫn cụ thể và cơ quan thuế phải truyền thông rộng rãi cho khách hàng hiểu mục đích yêu cầu cấp thông tin của nhà mạng. Tuy nhiên nhà mạng cũng rất khó có thể đảm bảo tính chính xác hay tỷ lệ khách hàng phản hồi.

Trong khi đó, đại diện của Công ty NetNam cho biết đặc thù của doanh nghiệp này là chỉ cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp và không có khách hàng cá nhân hay hộ gia đình.

“Một cá nhân sử dụng mạng xã hội (như facebook, google hay các mạng xã hội trong nước) thì nằm trong phạm vi quản lý về dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo các cam kết của mạng xã hội đó, chứ không thuộc phạm vi quản lý về dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ internet,” phía NetNam cho biết.

Đại diện một số nhà mạng thì cho rằng, cơ quan nhà nước cần một văn bản quy phạm pháp luật cấp cao để họ có căn cứ để thực hiện.

Bài 3: “Túm tóc” chủ shop online: Phải giải bài toán bảo mật thông tin ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Chuyên gia luật “lắc đầu”

Bàn về vấn đề này, luật sư Trần Tám (Công ty IPCOM) cho hay chị chưa hiểu Tổng cục Thuế gửi văn bản tới các Cục Thuế theo loại hình thức văn bản nào. Nếu là công văn trao đổi nội bộ (đây là loại hình văn bản thường để trao đổi thông tin giữa các cơ quan chuyên ngành) thì đây không phải là một loại văn bản quy phạm pháp luật để có thể buộc được các nhà mạng tuân thủ.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật Viễn thông thì: “Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều luật này cũng có trường hợp ngoại trừ là người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin; Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng; Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Tám cho rằng, căn cứ theo quy định này, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp thông tin về người sử dụng dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, điều này cũng phải xác định rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là cơ quan nào và dựa vào văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào để cơ quan đó yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin khách hàng của họ.

Theo luật sư Trần Tám, về bản chất, hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông là một dạng hợp đồng dân sự. Và trong hợp đồng các bên (bên cung cấp và bên mua) có nghĩa vụ bảo mật thông tin (nếu có thỏa thuận và điều này cũng được quy định trong Luật Viễn thông). Việc can thiệp (cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin) trong một giao dịch dân sự hợp pháp nói trên theo vị chuyên gia này là không phù hợp với nguyên tắc tự do thỏa thuận được quy định tại Bộ luật Dân sự. Do vậy, để yêu cầu cung cấp thông tin thì phải có văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý tương đương quy định một cách cụ thể về việc này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục