Bàn giải pháp đẩy mạnh phát triển vàng trang sức

150 chuyên gia, nhà quản lý kinh tế... đã tham gia hội thảo “Đẩy mạnh phát triển vàng trang sức Việt Nam trong tiến trình hội nhập.”
Ngày 6/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) và Công ty cổ phần trí thức doanh nghiệp quốc tế đã phối hợp tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển vàng trang sức Việt Nam trong tiến trình hội nhập” với sự tham gia của 150 chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý kinh tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực vàng trang sức.

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào các chủ đề chính như thực trạng, tiềm năng, thế mạnh phát triển vàng trang sức Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; các giải pháp đẩy mạnh phát triển vàng trang sức Việt Nam cho thị trường trong nước và xuất khẩu; giải pháp đồng bộ để lấy lại niềm tin của thị trường...

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết các doanh nghiệp kinh doanh vàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra các chính sách hợp lý để hình thành một thị trường vàng đúng nghĩa và lành mạnh; khẳng định vai trò quản lý, giám sát, thực thi pháp luật của Ngân hàng Nhà nước song song với vai trò tạo dựng, phát triển thị trường vàng, kinh doanh qua sàn vàng của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.

Thạc sỹ Cao Xuân Lãnh, Phó Tổng giám đốc SJC đã đề xuất quan điểm để phát triển thị trường vàng trang sức là phát triển thị trường theo định hướng khách hàng; đồng bộ, toàn diện và dựa trên nội lực là chính.

Ông cho rằng nhu cầu về vàng, nữ trang vàng là nhu cầu thực tế, có thực trong đời sống con người từ lâu đời, vì vậy cần có chính sách kinh tế phù hợp để điều chỉnh, phát triển.

Ông cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ vốn ngân sách cho công tác nghiên cứu phát triển, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ phục vụ cho quy hoạch, xây dựng ngành công nghiệp trang sức Việt Nam.

Ồng Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ Thành phố Hồ Chí Minh lạc quan vì có những cánh chim đầu đàn uy tín và chất lượng của các thương hiệu Việt như công ty SJC, PNJ, DỌI, DAN, Tuấn Ngân, BTJ, VJC, SIP... với các sản phẩm trang sức đạt độ tinh xảo trong chế tác, phong phú, đa dạng về mẫu mã. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng vàng trang sức kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành kim hoàn Việt Nam.

Ông kiến nghị Nhà nước cần can thiệp bằng quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức, vàng mỹ nghệ trên thị trường; thống nhất trên toàn quốc tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, kinh doanh mua bán vàng, giao dịch trang sức vàng và mỗi cơ sở sản xuất, gia công phải công khai đóng ký mã hiệu, chất lượng tiêu chuẩn khối lượng trên sản phẩm.../.

Hà Huy Hiệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục