Xác định công tác dinh dưỡng, điều dưỡng và kiểm soát nhiễm khuẩn đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong năm 2023, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành 13 kế hoạch về hoạt động khám chữa bệnh, trong đó có 9 kế hoạch về công tác dinh dưỡng, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn.
Theo Sở Y tế Hà Nội, 9 tháng năm 2023, các bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội đã khám chữa bệnh cho 6.615.086 lượt người bệnh, trong đó 1.611.231 lượt người điều trị ngoại trú và 908.606 lượt điều trị nội trú.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cùng với việc phát triển kỹ thuật chuyên môn, đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng người bệnh, ngành Y tế Hà Nội đã chú trọng thực hiện hiệu quả công tác điều dưỡng, dinh dưỡng và kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần quan trọng đảm bảo chất lượng, hiệu quả chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Sở Y tế Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng, điều dưỡng và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 430 nhân viên y tế về đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng người bệnh và các kỹ năng giao tiếp ứng xử của điều dưỡng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tập huấn cho 80 cán bộ trong mạng lưới dinh dưỡng của các bệnh viện trong và ngoài công lập về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường và bệnh nhân viêm tụy.
Tập huấn cho 150 cán bộ làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải của các bệnh viện trong và ngoài công lập về giám sát nhiễm khuẩn vết mổ, vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn trong ngoại khoa và các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ, một số giải pháp giảm thiểu chất thải rắn y tế trong bệnh viện.
Ngành Y tế Hà Nội quyết liệt phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Cơ sở y tế cũng tổ chức tập huấn cho 10.342 lượt nhân viên y tế về các quy trình kỹ thuật chuyên môn điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn phân loại chất thải.
Các nội dung chuyên môn về công tác điều dưỡng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc người bệnh đã được triển khai tốt tại các đơn vị.
Hơn 10.500 cán bộ điều dưỡng trong toàn ngành đã thực hiện nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận và nhận định người bệnh; xác định và thực hiện các can thiệp chăm sóc người bệnh; đánh giá kết quả thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng về đáp ứng của người bệnh cũng như điều chỉnh kịp thời các can thiệp.
Các can thiệp chăm sóc điều dưỡng đã được các bệnh viện tuân thủ như chăm sóc hô hấp, tuần hoàn, thân nhiệt; chăm sóc dinh dưỡng; chăm sóc giấc ngủ và nghỉ ngơi; vệ sinh cá nhân; chăm sóc tinh thần; phục hồi chức năng cho người bệnh; quản lý người bệnh; truyền thông, giáo dục sức khỏe; thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát quy chế chuyên môn, công tác điều dưỡng, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải, xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập.
30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (30 trạm y tế và 30 phòng khám đa khoa), 24 bệnh viện trong và ngoài công lập đã được kiểm tra giám sát. Các đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã phát hiện kịp thời những tồn tại, các hoạt động chuyên môn chưa đạt yêu cầu và hỗ trợ đơn vị đưa ra giải pháp để khắc phục.
Cùng với việc kiểm tra, giám sát của Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị cũng tự tổ chức kiểm tra, giám sát công tác điều dưỡng, dinh dưỡng và kiểm soát nhiễm khuẩn với 12.345 lượt cán bộ y tế được kiểm tra. Nội dung kiểm tra giám sát bao gồm các quy trình chuyên môn liên quan đến công tác điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn như: các quy trình kỹ thuật điều dưỡng, quy trình rửa tay thường quy...
Đối với công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, 73% cơ sở y tế có hệ thống khử khuẩn, tiệt khuẩn tập chung; 89% cơ sở đã thành lập khoa/tổ kiểm soát nhiễm khuẩn, 90% đơn vị đã xây dựng quy chế hoạt động của hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, 68,4% cơ sở có đủ nhân lực để triển khai các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn.
63% cơ sở có khu xử lý đồ vải hoặc ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài để xử lý đồ vải; 100% đơn vị ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải y tế; 99% đơn vị có hệ thống xử lý chất thải lỏng./.