“Đêm 29 rạng sáng 30/4/1975, pháo của quân ta nổ vang rền như sấm, đất trời như trỗi dậy, rung chuyển từng hồi, Tân Sơn Nhất, Sài Gòn rực lửa. Giờ phút thiêng liêng đã đến, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Chúng tôi tiến lên cùng các cánh quân từ các hướng, từ bờ sông, bờ ruộng, trên các quốc lộ, trong khói bay mù mịt, mùi thuốc súng khét lẹt. Năm anh em chúng tôi đã gặp nhau trong khung cảnh ấy. Ai cũng cười mà nước mắt cứ trào ra. Chúng tôi nhanh chóng tập hợp để làm bản tin về thời khắc đặc biệt này để gửi về.”
Đó là chia sẻ của chuyên gia kỹ thuật TTXVN Đỗ Sỹ Mến về thời khắc đặc biệt đêm 29 rạng sáng 30/4/1975, khi ông cùng 4 đồng đội khác là những người truyền đi bản tin trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam với tiêu đề “Nhân dân Sài Gòn-Gia Định nổi dậy đập tan ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.”
Nhiệm vụ đặc biệt
Gặp chuyên gia kỹ thuật TTXVN Đỗ Sỹ Mến, tôi như bị cuốn vào câu chuyện điện báo viên thời chiến đầy hiểm nguy nhưng cũng vô cùng xúc động, tự hào với những bản tin được truyền đi thẫm đẫm mồ hôi, hiểm nguy và có khi phải trả giá bằng mạng sống.
Sau nhiều lần liên lạc, những tưởng tôi phải ngược về quê ông thì may mắn, tôi gặp được ông trong căn nhà ở khu tập thể Mai Hương (Hà Nội). Khi tôi gợi lại những năm tháng làm điện báo viên ở Tây Ninh, về thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, ông Mến bỗng phấn chấn, linh hoạt hẳn.
Trong mắt ông ánh lên niềm tự hào và cả sự trầm ngâm hồi tưởng về những gian khổ khi vượt qua đường rừng Tây Ninh, qua những quãng đồng bùn sụt lún sình lầy... giữa tiếng pháo chao chát, tiếng súng nổ vang rền... của cuộc chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam năm ấy, để đưa bản tin đặc biệt tới đồng bào.
[75 năm TTXVN: Sẵn sàng hy sinh cho những dòng tin "chảy mãi"]
Ông Đỗ Sỹ Mến nhớ lại ngày 6/4/1975, từ căn cứ miền Đông Nam Bộ, lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng quyết định một chuyến đi “mua lúa” ở vùng ven.
Theo sự điều động của cấp trên, nhóm 5 người gồm phóng viên Nguyễn Thanh Bền làm trưởng nhóm, phóng viên ảnh Trần Thiêm, kỹ thuật viên vô tuyến điện Nguyễn Đăng Chức và hai điện báo viên Đỗ Sỹ Mến, Phan Trọng Tiệp được thành lập.
“Chúng tôi được Giám đốc Trần Thanh Xuân trực tiếp dặn dò, giao nhiệm vụ, yêu cầu giữ kín công việc, chức năng, nhiệm vụ của từng người, và dặn rằng nếu có ai hỏi đi đâu thì trả lời “mua lúa.”
Thực chất, đây là mật danh cho một nhiệm vụ rất quan trọng của chúng tôi là tiến vào khu vực nội thành, đưa tin về trận đánh khốc liệt này tại Sài Gòn,” ông Đỗ Sỹ Mến kể lại.
Tuy nhiên, với những diễn biến trên chiến trường quá nhanh vào thời điểm đó, chỉ vài ngày sau, nhiệm vụ không còn là bí mật và toàn đơn vị phải bàn công khai về chuyến “mua lúa” này. Các mũi công tác được nhanh chóng tổ chức, sẵn sàng triển khai theo các cánh quân.
Ông Đỗ Sỹ Mến vẫn không quên buổi sớm ngày 7/4/1975. “Anh em chúng tôi với trang thiết bị, máy móc đầy đủ, đồ dùng gọn nhẹ, khoác trên vai ba lô, xuất phát như những chuyến đi phát động quần chúng ở vùng mới giải phóng trước đây. Khi lên chiếc xe Uoát, trong lòng chúng tôi tràn đầy niềm tin, niềm vui hẹn ngày gặp lại ở Sài Gòn. Từ khu rừng xanh thẳm, ngút ngàn tầm mắt, chúng tôi tiến ra Lò gò, Xóm Giữa, qua các địa danh Sa Mát, Thiện Ngôn, vùng giải phóng rộng lớn, rồi núi Bà Đen quen thuộc...”
Chiều tối, nhóm 5 người dừng chân tại huyện Tân Biên (Tây Ninh). Khi đó, mấy năm trước, cây rừng ở đây bị chất độc hóa học của Mỹ rải xuống cùng với bom đạn các loại rải thảm nên chỉ còn thân cây trơ trụi, và cỏ Mỹ mọc nhiều. Khi ra khỏi rừng, ánh nắng chói chang, khô khốc và những hố bom nham nhở mọi nơi.
Chuyến hành quân ấy ông Mến cùng đồng đội đã đi qua đất Dầu Tiếng, Tây Ninh, Thanh An, Thủ Dầu Một, nhập vào đoàn Y4 (Sài Gòn-Gia Định).
Đoàn đã bí mật luồn sâu vào sào huyệt của kẻ thù. Dưới tọa độ của các trận địa pháo ở Trảng Bom, Đồng Dù, được bố trí liên hoàn nhiều vùng chiến thuật, địch bắn pháo bay qua đầu đoàn, ông Đỗ Sỹ Mến vẫn cùng đồng đội báo cáo tình hình tác nghiệp.
Lạc nhau giữa bom đạn
Ông Đỗ Sỹ Mến hồi tưởng: “Mỗi ngày, chúng tôi càng tiến sâu hơn vào vùng địch. Độ nguy hiểm càng cao, phía trên đầu chúng tôi, xuất hiện máy bay trinh sát OV10 bay lượn, khi chúng phát hiện mục tiêu thì sẽ có pháo bắn tới ngay. Dưới mặt đất, các toán thám báo, biệt kích phục kích, chặn những nơi bọn chúng nghi ngờ có Việt cộng hoạt động. Để giữ bí mật, ban ngày chúng tôi núp kín trong bụi cây, tranh thủ vá những chỗ thủng của túi ni lông để bọc ba lô và máy móc rồi buộc chặt lại thành cái phao nổi, khi vượt sông ôm vào đó để bơi. Ban đêm chờ nước sông lên to, mọi người ôm phao bơi theo dòng sông Rạch Tra.”
Tới vùng ven Sài Gòn, máy bay trực thăng bay lượn quét đèn soi tìm khiến ông cùng đồng đội phải ẩn nấp, trong ánh đèn pha loang loáng lướt qua người. Máy bay bay đến địa phận đồn bốt nào thì địch ở dưới bắn pháo sáng lên, sáng rực.
Trải qua hơn 20 ngày đêm, đoàn mới tới được mặt trận. Ông Mến không quên được cảm giác khi nghe tới những thanh âm quen thuộc của làng quê: "Xa xa nghe tiếng chó sủa, rồi tiếng gà gáy ở trong ấp, xã mà đoàn đi qua, giống cảnh ở quê mình, rất lạ nhưng cũng rất quen..."
Đã đến mặt trận, ông Đỗ Sỹ Mến cùng đồng đội phải tuân thủ những quy định như giữ khoảng cách từ 5-10m, lặng lẽ vừa lội, vừa không để động tĩnh, nhẹ nhàng theo dấu vết người đi trước mà bước theo kẻo vướng mìn.
Hành quân qua từng khu vực, lúc đi dọc sông, khi thì qua đường trong chốc lát, qua cánh đồng lúa, bãi tha ma...
Đôi chân như bị chôn sâu dưới bùn và lún đến đùi, đến bụng, khó khăn lắm mới tiến thêm được một bước. Khi đã qua được đoạn sình lầy, mọi người đều phải nhanh chóng giữ khoảng cách với người đi trước. Đến lần thứ ba, không may mũi của ông Mến bị lạc nhau trong đêm tối giữa cánh đồng lúa.
Nhớ lại khoảnh khắc này, ông Mến xúc động: "Đang trong lúc không biết đi đâu, nhìn tứ phía tối om, bỗng có tiếng hô rất đanh Ai…Ai…! vang trong đêm tối. "Trong giây lát tôi nhận ra là quân ta và đáp lại: “Đoàn Y4 bị lạc.”
Người bên kia, tôi thấy cầm B40, nói: “Tôi hỏi lần thứ ba không thưa thì tôi sẽ bắn.”
Tôi mừng quá vì đã có người đi cùng và hỏi ra đó là các chiến sỹ của Trung đoàn Gia Định, đúng là đi chiến đấu nên ai cũng mang đầy súng đạn và bộc phá.”
Đêm điện báo không quên
Chiều 28/4/1975, đoàn phóng viên, kỹ thuật viên tiếp tục di chuyển dưới đám sình lầy. Ông Mến kể: "Chúng tôi nhìn lên bầu trời trong ánh nắng chiều, thấy nhiều máy bay A37, quần đảo và tiếng bom nổ ở sân bay Tân Sơn Nhất, rung chuyển cả Sài Gòn. Đến tối chúng tôi được tin "Bộ đội ta giỏi quá, lấy tầu bay của địch, đánh địch."
Lại bồi thêm những cú đấm hiểm vào sào huyệt của kẻ thù. Cả nước ra quân, với khí thế Mậu Thân, tinh thần Đồng Khởi, tất cả đã sẵn sàng chờ đến giờ “G.”
“Đêm 29 rạng sáng 30/4/1975, pháo của quân ta nổ vang rền như sấm, đất trời như trỗi dậy, rung chuyển từng hồi, Tân Sơn Nhất, Sài Gòn rực lửa. Giờ phút thiêng liêng đã đến, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Chúng tôi tiến lên cùng các cánh quân từ các hướng, từ bờ sông, bờ ruộng, trên các quốc lộ, trong khói bay mù mịt, mùi thuốc súng khét lẹt."
"Năm anh em chúng tôi gặp lại nhau trong khung cảnh ấy. Ai cũng cười mà nước mắt cứ trào ra! Tiếng đạn nổ, tiếng loa kêu gọi địch bỏ ngũ ra hàng vang lên. Quân ta đánh chiếm các căn cứ đầu cầu, chỗ này giải tù binh, thu vũ khí, chỗ kia tập hợp, giải thích về chính sách khoan hồng của mặt trận."
"Đến 5 giờ sáng đại quân ta tiến vào trong tiếng xe tăng gầm rú ầm ầm, địch kinh hoàng trút bỏ vũ khí, quần áo, giầy mũ..., chạy toán loạn,” ông Mến kể lại trong giọng điệu đầy tự hào về thời khắc ấy. Thời khắc được gặp mặt đầy đủ đồng đội và họ chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng của người đưa tin, người truyền tin.
Và bản tin nữa được phát đi, ông Mến kể lại: Chúng tôi vào thành phố, trong niềm vui sướng không tả xiết, trong tiếng vỗ tay chào đón của người dân hai bên đường. Khi đến đường Cách Mạng (nay là Nguyễn Văn Trỗi), Quận Phú Nhuận, chúng tôi phát bản tin chiến thắng về căn cứ “R” ở Tây Ninh. Lúc này là 11 giờ 45 phút ngày 30/4/1975. Trong tuyến thông tin này của TTXVN, Giám đốc Đào Tùng là Tổng chỉ huy chiến dịch.
“Chỉ trong thời gian ngắn, bản tin của chúng tôi đã được truyền đi trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam: “Nhân dân Sài Gòn-Gia Định nổi dậy đập tan ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam” trong niềm vui sướng của đồng bào cả nước và bạn bè khắp Năm châu,” ông Đỗ Sỹ Mến chia sẻ.
45 năm đã trôi qua từ thời khắc đó, nhưng những kỷ niệm luôn khắc ghi trong tâm khảm. Ông Mến tâm sự: “Mỗi lần được gặp đồng đội, người Bắc kẻ Nam nhưng được ôn lại những năm tháng gian truân, ác liệt, chia ngọt sẻ bùi là vinh dự, niềm tự hào của chúng tôi. Niềm tự hào khi được đưa những bản tin đầu tiên tới đồng bào trong thời khắc đó đã động viên tôi trong cuộc sống thường ngày”./.