Bốn năm sau khi phải nhường lại ngôi vị nhất toàn đoàn cho Trung Quốc, đoàn thể thao Mỹ đã đòi lại ngôi vị số 1 khi giành được tổng cộng 46 chiếc huy chương vàng tại Olympic London 2012, bỏ xa Trung Quốc 8 chiếc HCV. Đoàn thể thao chủ nhà Vương quốc Anh đã kết thúc kỳ Olympic thành công nhất trong vòng 100 năm qua khi giành vị trí thứ ba tới 29 chiếc HCV trong khi lần đầu tiên trong lịch sử, đoàn thể thao Nga (kế thừa Liên Xô trước đây) đã bị đánh bật khỏi top 3. Không chỉ dẫn đầu về số HCV, Mỹ cũng dẫn đầu về tổng số huy chương với 104 chiếc các loại, qua đó không chỉ chứng tỏ vị thế cường quốc hàng đầu mà còn cho thấy sự phát triển đồng đều. Đoàn thể thao Mỹ đã thống trị cả 2 môn thể thao cơ bản nhất của phong trào Olympic là điền kinh (9 HCV) lẫn bơi lội (16 HCV), đồng thời giành cả những chiếc HCV của những môn thể thao đồng đội được nhiều người quan tâm như bóng đá (nữ) hay bóng rổ (cả nam lẫn nữ). Trong khi đó, dù thụt lùi về số HCV so với Bắc Kinh 2008 (giành 51 HCV so với 38 chiếc ở London 2012), song đoàn thể thao Trung Quốc vẫn được xem là đã có một kỳ Olympic thành công. Trung Quốc không chỉ thống trị ở các môn thế mạnh của họ như cầu lông (5 HCV), bóng bàn (4), nhảy cầu (6) hay thể dục dụng cụ (5) mà còn thể hiện bước tiến lớn trên đường đua xanh (5 HCV, chỉ kém Mỹ). Đoàn thể thao Vương quốc Anh cũng có một kỳ đại hội cực kỳ thành công với 29 HCV trên tổng số 65 huy chương các loại, nhiều hơn tới 10 chiếc HCV so với bốn năm trước đây. Anh tiếp tục chứng tỏ sức mạnh ở các môn như đua xe đạp (7 HCV) hay boxing (3) đồng thời cũng đạt bước tiến lớn tại môn điền kinh với ngôi sao cự li trung bình gốc Somalia Mo Farah (HCV 5000, 10000m). Những bước tiến đó đã giúp Anh soán ngôi của đoàn thể thao Nga, cho dù nếu xét về tổng số huy chương thì Nga vượt trội (82 chiếc, nhưng chỉ có 24 HCV). Trong những ngày đầu diễn ra Olympic, Nga liên tục đứng ngoài top 10, và chỉ đến những ngày thi đấu cuối cùng (giành 15 HCV trong 3 ngày cuối) thì họ mới bứt lên khi các môn thế mạnh của họ bước vào chung kết như điền kinh, bơi nghệ thuật, thể dục nhịp điệu, vật, boxing.
Đội tuyển bóng chuyền nam Nga giành chiến thắng kịch tính trước Brazil ở trận chung kết (Nguồn: Getty Images)
Trong số những đoàn thể thao gây thất vọng ở London 2012 còn có Australia hay Nhật Bản, đòi hỏi họ phải có sự đầu tư lớn hơn nữa ở những kỳ Olympic sắp tới. Nước chủ nhà Olympic Rio 2016 là Brazil cũng trải qua một kỳ Thế vận hội thất bát chỉ với 3 chiếc HCV, trong đó đáng tiếc nhất là thất bại trong trận chung kết bóng đá nam. Trong số những quốc gia được coi là lớn trên thế giới thì trường hợp của Ấn Độ là đáng buồn nhất khi không giành được tấm HCV nào cả, với thất bại của đô vật nổi tiếng Sulshil Kumar ở ngày thi đấu cuối cùng. Ngược lại, nhiều đoàn thể thao đã gây bất ngờ lớn chẳng hạn như CHDCND Triều Tiên khi giành tới 4 HCV, trong đó có 3 ở môn cử tạ. Trong 16 ngày thi đấu của Olympic 2012, có tổng cộng 302 chiếc HCV được trao, trong đó có 54 đoàn giành được ít nhất 1 HCV, gồm cả những cái tên rất mới như Uganda, Venezuela hay Grenada. Quốc gia quê hương của phong trào Olympic là Hy Lạp chỉ có 2 HCĐ. Có tổng cộng 85 đoàn thể thao đã giành được ít nhất 1 HCĐ, trong đó có 4 quốc gia Đông Nam Á. Thái Lan thành công hơn cả khi giành 2 HCB (boxing và cử tạ), 1 HCĐ (cử tạ). Malaysia và Indonesia cùng giành được 1 HCB, 1 HCĐ còn Singapore có 2 HCĐ.
(Vietnam+)