Xung đột ở Bangladesh

Bangladesh tăng quân ở miền Bắc do xung đột cao

Chính phủ Bangladesh triển khai lực lượng quân đội ở khu vực miền Bắc nước này, trong bối cảnh xung đột không ngừng leo thang.
Theo hãng tin Pháp AFP, ngày 3/3, Chính phủ Bangladesh đã triển khai lực lượng quân đội ở khu vực miền Bắc nước này, trong bối cảnh xung đột không ngừng leo thang giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình phản đối phán quyết của tòa án đối với một số thủ lĩnh Hồi giáo bị cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh năm 1971.
 
Tin cho hay binh lính đã được triển khai thêm ở tỉnh Bogra, cách thủ đô Dhaka 197 km về phía Tây Bắc, sau khi ít nhất 10.000 người biểu tình ủng hộ đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami tấn công 5 đồn cảnh sát bằng gậy gộc, bom và các vũ khí tự tạo.
 
Cảnh sát đã phải bắn đạn để giải tán đám đông biểu tình. Ít nhất 7 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ này.
 
Trong khi đó, tại thành phố Godagari, 4 người đã thiệt mạng sau khi cảnh sát bắn đạn vào hàng nghìn người biểu tình.
 
Nhà chức trách địa phương cũng đã ban bố lệnh cấm tụ tập tại các nơi công cộng.

[Biểu tình và đụng độ nghiêm trọng tại Bangladesh]
 
Đụng độ bùng phát tại nhiều thành phố ở Bangladesh từ ngày 21/2 đến nay đã làm 72 người thiệt mạng, trong đó có nhiều cảnh sát.
 
Trước làn sóng bạo lực gia tăng, trong hai ngày vừa qua, chính quyền thủ đô Dhaka cũng đã triển khai khoảng 10.000 cảnh sát tuần tra khắp các tuyến phố trong nội thành, trong khi các trường học và cửa hiệu cũng được lệnh đóng cửa. Các tuyến đường liên tỉnh cũng đã tạm thời ngừng lưu thông.
 
Xung đột xảy ra ngay sau khi một tòa án Bangladesh công bố phán quyết tử hình Phó Chủ tịch đảng Jamaat-e-Islami Delwar Hossain Sayedee với nhiều tội danh, trong đó có tội giết người, đốt phá nhà cửa, hãm hiếp và cưỡng ép cải đạo Hồi.
 
Đảng Jamaat-e-Islami phản đối phán quyết này, cho rằng nó xuất phát từ động cơ chính trị. Sayedee là người thứ ba bị kết án có tội kể từ khi tòa án trên ra phán quyết đầu tiên hôm 21/1 liên quan đến các tội ác trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Bangladesh năm 1971, vốn cướp đi sinh mạng của 3 triệu người.
 
Đây được xem là làn sóng bạo lực liên quan tới chính trị đẫm máu nhất tại nước này trong hai thập kỷ qua.
 
Hiện 8 lãnh đạo khác của đảng Jamaat-e-Islami cũng đang bị tòa án Bangladesh xét xử.
 
Đảng Jamaat-e-Islami đã tiến hành hàng loạt cuộc bãi công trên cả nước để đòi nhà chức trách thả các thủ lĩnh của đảng./.
 
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục