Qua ngày Rằm tháng Tám cũng là thời điểm hàng loạt các cửa hàng, tiểu thương tung ra đủ các loại chiêu trò khuyến mãi như giảm giá 50%, mua 4 tặng 1… các mặt hàng bánh Trung Thu để đẩy hàng tồn, thu hút khách.
Tại một cửa hàng chuyên bán đồ xách tay tại phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội), chủ cửa hàng đang thông báo “giảm sàn” bánh Lava trứng chảy Hongkong với giá chỉ hơn 500.000 đồng, giảm 60% so với thời điểm trong vụ.
“Tuần trước tôi vẫn bán hộp bánh với giá 1,2 triệu đồng nhưng giờ phải giảm giá dưới vốn bởi tất cả các điểm bán đều xả hàng, nếu mình không ‘đại hạ giá’ thì cũng khó bán,” chị Minh, chủ cửa hàng trên cho hay.
Không chỉ tại cửa hàng chị Minh, các mẫu bánh Trung Thu xách tay ngoại trên các chợ mạng của một số hãng như MX, Teixin, Kee Wah… giá tiền triệu giờ cũng chỉ còn từ 300.000 đồng/hộp.
Tương tự, các loại bánh thương hiệu trong như nước Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica… cũng đang được chiết khấu từ 10-30%; thương hiệu bánh truyền thống handmade, tên tuổi nhỏ thì giảm tới 50%. Hạn sử dụng của các loại bánh này thường từ khoảng giữa tháng Chín đến đầu tháng Mười.
[Hà Nội: Phạt 80 cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh Trung Thu vi phạm]
Trên sàn thương mại điện tử Shopee, nhiều cửa hàng bánh online cũng đang giảm sâu. Đơn cử, bánh Trung Thu thương hiệu Saffron nhân thập cẩm xá xíu, đậu xanh trứng… giảm giá từ 30-50%, giá bán lẻ giảm từ 90.000 đồng xuống còn 48.000 đồng/chiếc; bánh Trung Thu nghìn lớp trứng chảy từ 150.000 đồng còn 70.000 đồng/chục…
Theo lời của một số tiểu thương kinh doanh, đặc điểm của những loại bánh Trung Thu siêu rẻ này đa số là hàng cận date, “xả hàng” bởi đã hết vụ chính chứ chất lượng sản phẩm vẫn tươi ngon tới tay người sử dụng.
“Nhiều khách tại cửa hàng chúng tôi đến cuối vụ mới mua với số lượng lớn vì mức giá chỉ bằng nửa, bằng phần tư so với giá niêm yết mà vẫn yên tâm ăn vì còn trong hạn dùng,” anh Hùng, một tiểu thương kinh doanh bánh cho hay.
Bên cạnh lợi ích về giá thành, mua bánh Trung Thu cuối vụ cũng tiềm ẩn một số rủi ro mà người tiêu dùng nên cân nhắc.
Vội mua bánh để về nhà thưởng thức, anh Duy Hải (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện cặp bánh Trung Thu mình vừa mua đã hết hạn từ ngày 10/9. “Lúc mua tôi quên chưa kiểm tra cẩn thận, giờ mới biết bánh đã hết hạn mà hàng khuyến mãi không đổi được nên đành phải vứt đi,” anh Hải chia sẻ.
Trường hợp khác, chị Thủy (quận Hai Bà Trưng) cũng đặt mua 2 cặp bánh Trung Thu lava trứng chảy giá “cận date” qua chợ online. Mặc dù đã kiểm tra hạn sử dụng tới 15/9 nhưng khi chị nhận hàng thì bánh có hiện tượng bị mốc trắng nên phải trả lại cho người bán.
Theo Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội thì việc các cửa hàng bánh Trung thu giảm giá bán là chuyện hết sức bình thường, bởi nếu không bán thì sẽ “ế.” Tuy nhiên, do năm nay thời tiết nắng nóng, các quầy bánh Trung thu hầu hết ở ngoài đường phơi nắng cả ngày, nếu bảo quản không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh và sức khỏe của người tiêu dùng.
“Để tránh tiền mất, tật mang, người tiêu dùng nên xem hạn sử dụng trên bao bì. Theo quy định, phụ gia bảo quản thực phẩm chỉ trong 1 tháng, nếu bánh có hạn trên 1 tháng là có vấn đề. Người mua nên chọn bánh mới, có bề mặt trơn mịn. Nếu bánh cắt ra chảy nước là bánh cũ, bị để lâu, nguy cơ nấm mốc tấn công,” Phó giáo sư Thịnh cho biết./.