Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, nhân sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ hai tại Phnom Penh trong hai ngày 10 và 11/1 tới, báo Rasmei Kampuchea (Tia sáng Campuchia) - tờ báo có số lượng độc giả lớn nhất tại Campuchia, ngày 10/1 có bài viết trên trang nhất với tựa đề “Việt Nam trong công tác đối ngoại đa phương.”
Tác giả bài viết đánh giá năm 2017 là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam.
Công tác đối ngoại của Việt Nam đã được triển khai một cách chủ động, tích cực, quyết liệt, nâng tầm cả về song phương và đa phương, phục vụ những mục tiêu chiến lược lớn đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra.
Bao trùm và nổi bật là việc Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Sự kiện này đã tạo hiệu ứng tích cực trên nhiều phương diện, tiếp tục khẳng định APEC là diễn đàn hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, làm nổi bật vai trò của Việt Nam đối với một sự kiện mang tầm vóc toàn cầu.
Với sự tham dự của đầy đủ của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và số lượng đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên đông đảo nhất trong 10 năm gần đây; từ khâu tổ chức, chủ trì, điều hành đến chất lượng nội dung các văn kiện; việc bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong cả Năm APEC, Việt Nam đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.
[Thành tựu đối ngoại trong năm 2017: Vị thế mới, khí thế mới]
Các thành viên, bạn bè và báo chí quốc tế đánh giá cao chủ đề Năm APEC 2017 của Việt Nam và 4 ưu tiên của chương trình nghị sự và nội dung các văn kiện. Sự kiện này đã đưa Việt Nam thành tâm điểm chú ý của thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.
Năm APEC 2017 là biểu hiện sinh động cho thấy hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã nâng lên một tầm cao mới, chuyển mạnh sang "chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung," qua đó bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế."
Thành công của sự kiện này đã tạo được một nhận thức mới, một niềm tin mới, một sức mạnh mới, khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Bài báo nhận định trong năm 2017, Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực rất lớn để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống.
Trong năm 2017, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã thực hiện 18 chuyến thăm nước ngoài, tham dự 8 hội nghị quốc tế đa phương, tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước đến thăm Việt Nam.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm lớn trong quan hệ với Lào, Campuchia, các chuyến thăm cấp cao tới Indonesia, Myanmar, Singapore, Thái Lan..., Việt Nam đã tăng cường mạnh mẽ tin cậy chính trị và đẩy mạnh hiệu quả hợp tác thực chất với các nước láng giềng khu vực.
Quan hệ với các đối tác chủ chốt khác như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đều được nâng cao về chính trị và kinh tế. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Myanmar và Canada.
Việt Nam đã tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy vai trò trong các mối liên kết và hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại phục vụ phát triển của đất nước.
Việt Nam đã cùng các nước thành viên kiên trì nền tảng để tiếp tục thảo luận hướng tới một "Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP), đồng thời cùng các nước tích cực thúc đẩy đàm phán "Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực" (RCEP), đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao vận động và thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) đưa "Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU" (EVFTA) sớm ký chính thức, tiến hành phê chuẩn và triển khai thực hiện.
Lãnh đạo các nước đối tác cũng nhất trí cùng Việt Nam triển khai một cách hiệu quả "Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu", "Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc."
Hiệu ứng từ tiềm năng tăng trưởng, từ các quyết tâm cải cách và hội nhập của Việt Nam thể hiện qua các hoạt động đối ngoại đa dạng, cùng các biện pháp quyết liệt xây dựng một Chính phủ kiến tạo đã góp một phần giúp cho các mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với các đối tác được tăng cường, các chỉ tiêu kinh tế đối ngoại của Việt Nam đều đạt và vượt mục tiêu.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 425 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay./.