Báo Canada: Bảy dấu hiệu bất thường ở kinh tế Mỹ

Báo Bưu điện quốc gia của Canada số ra ngày 24/7 nhận định tình hình kinh tế tại Mỹ đang xuất hiện nhiều dấu hiệu "bất thường."
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn báo Bưu điện quốc gia số ra ngày 24/7 nhận định tình hình kinh tế tại Mỹ đang xuất hiện nhiều dấu hiệu "bất thường", điển hình là chỉ số chế tạo của Ngân hàng dự trữ liên bang Philadelphia bị âm trong những tháng gần đây, giá thực phẩm tăng vọt và doanh số bán lẻ u ám.

Nhà kinh tế David Rosenberg của tập đoàn Gluskin-Sheff nhận định tình hình kinh tế Mỹ hiện nay là "hiếm khi xảy ra và đầy rủi ro." Có bảy dấu hiệu bất thường trong bức tranh kinh tế Mỹ cho thấy nguy cơ suy thoái đang có chiều hướng gia tăng.

Thứ nhất, chỉ số chế tạo của Ngân hàng dự trữ liên bang Philadelphia bị âm trong ba tháng liên tiếp. Việc có tới 7/8 lần khi chỉ số trung bình ở mức thấp (-11,8) trong 3 tháng liên tiếp đã phần nào phản ánh kinh tế Mỹ đang bị rơi vào suy thoái.

Thứ hai, doanh số bán lẻ cũng giảm liên tiếp từ tháng 4 đến tháng 6/2012. Trong lịch sử kinh tế Mỹ, việc doanh số bán lẻ giảm liên tục trong ba tháng là một dấu hiệu hiếm hoi và mỗi lần điều này xảy ra, kinh tế Mỹ hầu như đều rơi vào suy thoái.

Lần duy nhất kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái là hồi quý IV năm 2000, khi bong bóng công nghệ Mỹ bị nổ tung, song suy thoái kinh tế bắt đầu ngay vào quý I năm 2001.

Thứ ba, số việc làm phi nông nghiệp trong tháng 7 giảm 100.000 trong tháng thứ 4 liên tiếp. Trong vòng 50 năm qua, chỉ một lần duy nhất một sự sụt giảm số việc làm phi công nghiệp xảy ra vào vào mùa Hè năm 2011 không đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Thứ tư là việc hiện tượng lạm phát đang có xu hướng giảm xuống mức âm trong 3 tháng qua đã dẫn đến một môi trường giảm phát nhẹ, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm ở mức 0,8%/năm. Tình huống tương tự chỉ xảy ra hồi đầu năm 2009 và trước đó là năm 1950.

Thứ năm là sự sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu. Chỉ số đơn đặt hàng chế tạo xuất khẩu của Viện nghiên cứu quản lý nguồn cung (ISM) trong tháng 6/2012 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009, với kim ngạch xuất khẩu của khu vực dịch vụ rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2011.

Đây không phải là dấu hiệu tích cực khi xuất khẩu chiếm tới 40% hoạt động kinh tế thực của Mỹ kể từ khi suy thoái kết thúc 3 năm trước đây.

Thứ sáu, việc giá ngũ cốc đã tăng 40% chỉ trong một tháng đang ảnh hưởng mạnh đến ngân sách của các hộ gia đình Mỹ. Mỗi cuộc suy thoái kinh tế từ năm 1970 cho đến nay đều xảy ra sau "cảnh túng quẫn" do giá lương thực tăng vọt.

Thứ bảy là việc Mỹ đang bị đe dọa bởi chương trình "vách đá tài chính" khi việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế có hiệu lực vào tháng 1/2013 tới cùng với những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Khi kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng trên 1%, việc cắt giảm chi tiêu 4-5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Trước đó, nước Mỹ cũng đã từng trải qua hai cuộc suy thoái lớn khi những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách tài chính của cường quốc số một thế giới gặp thất bại trong hai năm 1960 và 1969./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục