Báo cáo ngân sách dành cho người dân: Có cần những con số chung chung?

Việc nêu những con số về cơ cấu thu, chi ngân sách Nhà nước là cần thiết nhưng câu hỏi đặt ra là, trình độ người dân mỗi nơi mỗi khác, liệu mọi người đọc báo cáo ngân sách công dân có hiểu không?
Bà Ngô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) góp ý cho báo cáo ngân sách Nhà nước dành cho công dân

Việc nêu những con số tổng quát về cơ cấu thu, chi ngân sách Nhà nước là cần thiết nhưng câu hỏi đặt ra là, trình độ người dân mỗi nơi mỗi khác, liệu mọi người đọc báo cáo ngân sách công dân có hiểu và thực sự quan tâm không?

Công khai là chưa đủ

Đây là những thắc mắc được nêu lên tại hội thảo tham vấn về Báo cáo ngân sách Nhà nước dành cho công dân tổ chức sáng 24/8 tại Hà Nội.

Bà Trần Thị Kim Hiền, đại diện Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho hay, bản báo cáo ngân sách Nhà nước dành cho công dân đã được ngành tài chính công khai trên trang web của bộ từ năm 2015.

Báo cáo này được cơ quan chức năng quán triệt là làm sao đơn giản, dễ hiểu và người dân dễ tiếp cận. Một số nội dung chính trong báo cáo bao gồm: mục tiêu phát triển kinh tế, dự toán thu chi ngân sách, bội chi, dư nợ công,…

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, tùy từng năm, phía cơ quan lập báo cáo sẽ có những điểm nhấn để thể hiện được những đặc điểm cụ thể từng thời gian.

Nếu như năm 2015, bản báo cáo này theo bà mới chỉ “đơn sơ” ở mức nêu lên những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, dự báo kinh tế quốc tế, hay giải pháp thu, cơ cấu thu, chi thì tới năm 2016, nội dung đã cải cách. Bản báo cáo năm 2016 theo bà nhấn vào đánh giá chỉ tiêu kinh tế, ngân sách cho cả một giai đoạn, có so sánh giữa các giai đoạn.

Về bản báo cáo mới nhất năm nay được đăng tải hồi tháng Năm, bà Hiền khẳng định, nội dung lại đi sâu vào từng sắc thuế, đánh giá những cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, những thay đổi trong chính sách ảnh hưởng tới cơ cấu thu.

Chưa nói rõ những điểm còn hạn chế trong thời gian qua, đại diện Bộ Tài chính chỉ nêu lên nhận xét “cần nghiên cứu kỹ hơn” với bản báo cáo ngân sách này.

Đồng tình với bà Hiền về mục tiêu công khai làm sao đơn giản, dễ hiểu nhưng bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 nêu quan điểm, chỉ công khai là chưa đủ.

Bà lấy ví dụ về chi ngân sách, người dân không những cần những thông tin công khai mà cần cả sự minh bạch về cơ cấu chi.

“Chi cho giáo dục, y tế là bao nhiêu, ngân sách hỗ trợ cho trường học bao nhiêu, cho các em học sinh bao nhiêu,” bà đặt ra câu hỏi.

Báo cáo ngân sách dành cho người dân: Có cần những con số chung chung? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Làm định kỳ, cẩn thận buông xuôi

Đánh giá thêm, bà An cho rằng, trình độ người dân không phải ai, ở đâu cũng giống nhau nên báo cáo cho người dân càng chi tiết càng tốt.

Bà Vương Thị Hanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ, cũng nêu quan điểm, nếu người dân không hiểu thì sẽ khó tạo sự đồng tình.

“Ngoài đơn giản, dễ hiểu, tôi cho rằng báo cáo còn phải hợp với nhu cầu của người dân, không chỉ những con số trong báo cáo,” bà Hanh lên tiếng.

Ở góc khác, bà Bùi Thị An lại lưu ý cơ quan chức năng phải làm sao để thông tin đến được với người dân bởi nếu không, việc lập báo cáo cũng không nhiều ý nghĩa. Theo bà, đăng tải trên trang web là cần thiết nhưng người dân nhiều nơi có thể không đọc được.

Bà đánh giá: “Thường các bộ chỉ muốn dễ cho mình.” Tuy nhiên, với báo cáo ngân sách Nhà nước dành cho công dân, vị chuyên gia này cho rằng, nếu cơ quan chức năng không truyền tải tới người dân thì người dân không thể giám sát được. Ngoài ra, việc thông tin bản báo cáo trên tới người dân theo bà nên được các đơn vị kiểm tra định kỳ nếu không dễ xảy ra tình trạng… buông xuôi.

Bà Ngô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cũng đồng tình với quan điểm này. Bà đặt ra câu hỏi, những đối tượng người đọc là người lao động, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,… liệu có đọc được bản báo cáo ngân sách Nhà nước không.

Bà gợi ý, việc lập báo cáo với những đối tượng khác nhau có thể dùng thêm các hình thức khác như vẽ tranh, ảnh hay dịch sang tiếng dân tộc thiểu số để mở rộng đối tượng người đọc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục