Báo chí chính thống tránh rơi vào thế bị động trước thông tin xấu độc

Khi thông tin xấu độc tràn lan trên mạng, báo chí chính thống cần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đổi mới trong đấu tranh, tránh rơi vào tình trạng bị động, chạy theo giải thích.
Báo chí chính thống tránh rơi vào thế bị động trước thông tin xấu độc ảnh 1Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và thành phố Hải Phòng tổ chức, ngày 28/12, tại thành phố Hải Phòng, đã dành nhiều thời gian nghe đại biểu thảo luận, trao đổi về các vấn đề quan tâm trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí-truyền thông, nhất là trong thời điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và sơ kết 3 năm thực hiện Luật Báo chí 2016.

Về kết quả bước đầu trong sắp xếp, sáp nhập cơ quan báo chí địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQTW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định đó là bước đi đúng đắn, tạo thêm động lực, là cơ sở để tỉnh có thêm quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị quyết liệt hơn và quy mô, tầm mức cao hơn.

Trước năm 2019, tỉnh Quảng Ninh có 4 cơ quan thông tin, báo chí, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh), Trung tâm thông tin-Công thông tin điện tử (thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội-Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân tỉnh).

Sau gần 1 năm thành lập, đến nay, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã từng bước đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả theo mô hình "Tòa soạn hội tụ" ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp truyền thông đa phương tiện, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình với tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm từ 22 đầu mối phòng chuyên môn xuống còn 14 phòng trực thuộc.

Đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, mô hình này vẫn còn đó những khó khăn, trở ngại như do mô hình mới, chưa có tiền lệ, hợp nhất giữa hai cơ quan thuộc khối Đảng và chính quyền nên các vấn đề liên quan đến tài chính chưa thể xử lý ngay.

Thêm nữa, trình độ kỹ năng, nghề nghiệp, công nghệ các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Trung tâm chưa đồng đều, đòi hỏi tiếp tục được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu làm báo thời công nghệ 4.0.

Nhà báo Thu Hà, Phó Trưởng Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng trước nguy cơ và thách thức của những thông tin xấu độc, sai sự thật tràn lan trên các mạng, kênh truyền thông xã hội, báo chí chính thống cần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phải chủ động đổi mới trong đấu tranh, tránh rơi vào tình trạng bị động đối phó, chạy theo giải thích những thông tin mà các thế lực thù địch bóp méo, xuyên tạc.

Đội ngũ báo chí không ngừng nâng cao kiến thức, rèn giũa bản lĩnh chính trị và củng cố cơ sở lý luận thật vững vàng sắc bén để xử lý tốt các vấn đề phức tạp hiện nay.

Nhà báo Thu Hà cho biết thêm công tác đấu tranh phản bác phải được thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn hệ thống báo chí cách mạng với những phương pháp đấu tranh, đa dạng, toàn diện, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương, mô hình tốt được thể hiện một cách thuyết phục, có chiều sâu và có sức thu hút lớn là một giải pháp hiệu quả.

Theo nhà báo Thu Hà, các cơ quan liên quan cần tạo cơ chế thuận lợi để nhà báo được cung cấp kịp thời, đầy đủ các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho các phóng viên chuyên trách trong lĩnh vực này.

[Thủ tướng: Thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa Quy hoạch báo chí]

Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng chia sẻ trước sự bùng nổ của internet, mạng xã hội và sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình báo chí đòi hỏi hệ thống Báo Đảng địa phương phải đổi mới mô hình hoạt động thích ứng với hoàn cảnh mới, trong đó việc áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp, trong đó lấy báo điện tử làm trung tâm như một dây chuyền sản xuất với các sản phẩm; báo mạng, báo nói, báo hình và báo in.

Người làm báo phải đổi mới tư duy và các kỹ năng tác nghiệp thích ứng với các phương thức truyền thông mới mang tính tương tác cao như: Facebook, Youtube…

Báo chí chính thống tránh rơi vào thế bị động trước thông tin xấu độc ảnh 2Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương với các đại biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhà báo Phạm Văn Trường kiến nghị đối với những cơ quan Báo Đảng địa phương vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, vừa phải hoạt động kinh doanh để bảo đảm cân đối thu chi, cần hoàn thiện cơ chế chính sách cho hệ thống Báo Đảng địa phương hoạt động tốt, nhất là cơ chế đặt hàng, dành nguồn kinh phí và phân bổ hợp lý để hỗ trợ báo.

Tổng Biên tập Báo Hải Phòng Lê Trọng Nghĩa cho rằng Báo Đảng là cơ quan phát ngôn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố; là cầu nối thông tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân địa phương, do đó cần phải tăng cường liên kết, phối hợp, phát huy sức mạnh của Báo Đảng khu vực trong tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ.

Các Báo Đảng tiếp tục phối hợp đổi mới cả về nội dung và hình thức thực hiện, tập trung tuyên truyền chuyên sâu, trọng điểm hơn trên báo giấy; hoàn thiện tòa soạn điện tử với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, tăng sự tương tác giữa báo in với báo điện tử, phát huy những hình thức diễn đạt thu hút nhiều người xem như infographic, photo gallery, video… trên báo điện tử, để các nội dung tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương ngày càng sinh động, hấp dẫn, tác động lan tỏa rộng lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục