Với mục tiêu “không để ai ở lại phía sau,” từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều gói an sinh, chăm lo cho các đối tượng chính sách, lao động, người dân bị ảnh hưởng của dịch.
Tuy nhiên, để tất cả người dân “ai ở đâu, ở yên đó,” các chính sách hỗ trợ cần phải được thực hiện triệt để, đồng bộ, đến được tận tay người dân cần hỗ trợ.
Nhiều chính sách kịp thời
Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai nhiều kế hoạch, chính sách hỗ trợ kịp thời. Công tác chăm lo cho người nghèo, lao động tự do, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, mức độ bao phủ rất rộng, đã hoàn thành gói hỗ trợ thứ nhất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với kinh phí hơn 700 tỷ đồng.
Các địa phương đã tổ chức hỗ trợ từ nguồn vận động với kinh phí hơn 500 tỷ đồng.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết với quan điểm không bỏ lại ai ở phía sau, Thành phố đang tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội và đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa dịch.
[Thành phố Hồ Chí Minh: An dân trong cuộc chiến chống giặc COVID-19]
Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các gói an sinh xã hội khoảng 900 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, tính toán theo các gói 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày, trong đó đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, 1 triệu gói an sinh đã và đang được gửi đến người dân dưới hai hình thức là phần quà nhu yếu phẩm và suất ăn đã chế biến.
Ba đối tượng nhận các phần quà, suất ăn trong gói an sinh gồm: các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trong hơn 4.000 khu phong tỏa, công nhân mất việc, người lao động mất thu nhập do tình hình giãn cách cần hỗ trợ để tiếp tục tuân thủ các quy định cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh; các nhân viên y tế tuyến đầu nếu các bệnh viện và tổ chức y tế có nhu cầu.
Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, thu hút các nguồn vận động để chăm lo cho người dân. Nhiều địa phương và các cấp ngành, đoàn thể thành phố đã đẩy mạnh phối hợp thực hiện các chương trình trợ giúp, ứng cứu khẩn cấp, thăm hỏi, động viên đảm bảo an sinh xã hội người dân, giữ gìn an ninh trật tự và phòng, chống dịch bệnh.
Điển hình như chương trình 10.000 phần quà cho công nhân, người lao động khó khăn của Hội đồng Nhân dân Thành phố; chiến dịch tặng 100.000 phần quà đoàn kết “Quân-Dân” của Bộ Tư lệnh Thành phố.
Mới đây là chương trình “Tấm lòng mùa dịch, sản sẻ yêu thương” với hơn 530.000 túi hàng hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thành phố Hồ Chí Minh phát động mô hình 1 triệu túi an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng hành cùng với người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Liên đoàn đã chủ động triển khai nhiều chế độ, chính sách chăm lo công nhân, người lao động; đa dạng hóa các hình thức hoạt động Công đoàn hướng đến đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở cả khu vực chính thức và phi chính thức hàng chục tỷ đồng.
Các cấp Công đoàn cơ sở đã vận động hàng trăm chủ nhà trọ hỗ trợ miễn giảm giả cho thuê phòng; phối hợp trao tặng hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, nông sản hàng hóa các loại hỗ trợ hàng trăm ngàn công nhân, người lao động nghèo và cả người dân tại các xóm trọ, khu nhà ở tập thể, khu vực phong tỏa, cách ly.
Thành phố Thủ Đức đã tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, tăng cường phòng, chống dịch; chương trình "Thủ Đức nghĩa tình - vì dân Phục vụ" đã thu hút đông đảo các đơn vị doanh nghiệp, "mạnh thường quân" và nhân dân hưởng ứng. Trong đó, nhiều chủ nhà trọ hưởng ứng chương trình vận động "Nhà trọ 0 đồng" đã đồng loạt miễn, giảm giá thuê trên tinh thần chia sẻ khó khăn với người trọ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, cho biết hiện các chủ khu trọ đều giảm giá cho thuê từ 500.000-1 triệu đồng/phòng để đáp ứng nhu cầu của 150.000 công nhân đang gặp khó khăn trong việc duy trì tiền thuê trọ.
Tính đến nay, chương trình “Nhà trọ 0 đồng” của thành phố Thủ Đức đã miễn giảm khoảng 43 tỷ đồng tiền thuê phòng trọ. Đồng thời, chính quyền cũng cam kết đảm bảo điều kiện sinh sống cho công nhân giảm thu nhập do dịch bệnh từ nay đến 15/9.
Tùy theo đặc thù của từng đơn vị, địa phương, trong suốt thời gian qua, rất nhiều mô hình, cách làm khác nhau đã được triển khai, hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn tại thành phố, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài.
Không để ai ở lại phía sau
Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tổ chức, triển khai hỗ trợ tới người dân khó khăn, nhất là những người thật sự cần giúp đỡ, không chỉ một vài ngày mà thậm chí cả tháng là vô cùng quan trọng.
Đó cũng là quyết sách an sinh xã hội, cả về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để người dân yên tâm, không căng thẳng về tinh thần, không ai bị bỏ lại phía sau mà Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho gói an sinh xã hội lần 3 và lần 4 khi giãn cách xã hội kéo dài đến ngày 15/9.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thời gian qua vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình công nhân ở trọ tìm cách về quê khi không còn chỗ bám víu mưu sinh; nhiều hộ gia đình đã sử dụng hết phần tích lũy nay chỉ còn trông chờ vào nhóm thiện nguyện, hỗ trợ của chính quyền nên cũng bất an.
Ở nhiều nơi, người dân phán ánh chưa nhận được sự hỗ trợ, không tiếp cận được các kênh hỗ trợ... Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, yêu cầu sở, ngành và địa phương chấn chỉnh kịp thời, sớm khắc phục những hạn chế, nhất là trong việc hỗ trợ người dân, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm thực hiện nghiêm công tác giãn cách xã hội, đang ở đâu ở yên nơi đó, kể cả công nhân, người lao động, sinh viên đang ở trọ trên địa bàn thành phố.
Thành phố đã và đang nỗ lực để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày của nhân dân; phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân,” đẩy mạnh các hoạt động tại Trung tâm An sinh xã hội thành phố, huy động tất cả các nguồn lực xã hội để chăm lo cho dân. Đồng thời, kiến nghị ngành thuế thực hiện chính sách miễn giảm, ngành ngân hàng giảm lãi suất vay, miễn giảm tiền điện, nước trong những ngày cả thành phố chống dịch.
Trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg lần thứ 3 (từ ngày 15/8), ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định thành phố sẽ ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch, đặt sức khỏe tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Để khống chế được dịch bệnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kêu gọi cán bộ, chiến sỹ, đồng bào thành phố tiếp tục đồng lòng, chung sức và phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sỹ, gia đình là pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch; cả hệ thống chính trị đang đồng lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức để cùng chống lại đại dịch.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức có khoảng 1,6 triệu hộ gia đình lao động gặp khó khăn trong việc thuê trọ nơi ở do tác động của dịch COVID-19.
Thành phố sẽ hỗ trợ tiền thuê phòng trọ khoảng 1,5 triệu đồng/hộ cho toàn bộ các hộ đang gặp phải hoàn cảnh khó khăn này. Tiền hỗ trợ sẽ được trao tận tay để mọi người yên tâm ở nhà.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Lê Minh Tấn cho biết về đề xuất việc bổ sung số lượng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phức tạp kéo dài.
Các trường hợp được chính sách hỗ trợ (đợt 2) gồm hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do đang gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Dự kiến bổ sung lần này hơn 1 triệu trường hợp hộ lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí dự toán hơn 1.570 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung hỗ trợ gần 670.000 lượt người (1,5 triệu đồng/người) lao động tự do với dự toán kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí dự kiến bổ sung cho đợt này là hơn 2.576 tỷ đồng.
Theo ông Lê Minh Tấn, việc chi hỗ trợ lần này không phân biệt số người trong hộ, không phân biệt thường trú hay tạm trú, thành phần nghề nghiệp là công nhân, lao động nghèo hay sinh viên học sinh khu ở trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực phong tỏa...
Tuy nhiên, việc chi hỗ trợ phải đảm bảo không trùng lắp, nhưng cũng không bỏ sót người, không để người dân bị thiếu đói, không để hộ đang có khó khăn mà không được hỗ trợ.
Những ngày qua, khi Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó” từ ngày 23/8-6/9, thành phố đã triển khai các biện pháp cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân, trong đó các phường, xã, thị trấn thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ người dân, trong đó có việc “đi chợ hộ,” phát các gói hỗ trợ này tới người dân một tuần một lần.
Ngoài ra, từ ngày 24/8-6/9, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị 1,5 triệu túi an sinh để hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn, với nguyên tắc không bỏ sót trường hợp nào.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ cho ngân sách thành phố số tiền 27.968 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ, lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian Thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Thành phố Hồ Chí Minh đang trong những ngày khó khăn do tác động của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và để sớm kiểm soát được dịch, nhiều giải pháp đã được Thành phố triển khai với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ chưa có tiền lệ, trong đó có những biện pháp hỗ trợ các đối tượng khó khăn, người yếu thế trong xã hội.
Những gói hỗ trợ được phân phối kịp thời đến tận tay từng người khó khăn vào lúc này là rất cấp thiết, qua đó góp phần vào chiến thắng của chiến dịch quyết định này trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung./.