Sáng 21/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành điện lực Việt Nam (1954-2020).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tham dự buổi Lễ có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Cùng dự buổi Lễ còn có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Thực hiện sứ mệnh "điện đi trước một bước"
Ôn lại chặng đường phát triển của ngành Điện Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân khẳng định Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, với nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trong 10 năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước ở mức cao trong nhiều năm liên tục.
[Hiện thực hóa nhu cầu sử dụng điện của người dân nông thôn]
Khối điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 9,7%/năm. Năm 2020 đạt 215 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình quân đạt hơn 2.200 kWh/người/năm.
Thực hiện sứ mệnh "điện đi trước một bước," hạ tầng cung cấp điện đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ về quy mô và mức độ hiện đại ở cả ba khâu: phát điện, truyền tải và phân phối kinh doanh điện.
Tổng công suất nguồn điện đến nay đạt trên 60.000MW, xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 23 trên thế giới.
Cơ cấu nguồn điện gồm đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, tuabin khí, đặc biệt năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt Trời, điện sinh khối) chiếm tỷ trọng cao trong hệ thống.
Cùng với đó, hệ thống điện quốc gia đã vươn tỏa tới mọi miền đất nước. Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam, "xương sống" của hệ thống điện Việt Nam đã được bổ sung thêm mạch thứ 3, lưới điện tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam được kết nối mạch vòng đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy.
Thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, Tập đoàn đã cung cấp điện đến 100% số xã; 99,54% số hộ dân và đưa điện đến 11/12 huyện đảo, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng đất nước.
Đến nay, công nghệ tự động hóa, điều khiển xa, kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi vào hệ thống điện.
Hầu hết các trạm biến áp 110-220kV thực hiện điều khiển xa, không cần người trực.
Hằng năm, tổn thất điện năng giảm mạnh, đến nay xuống dưới 6,5%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, tiệm cận mức của các nước phát triển.
Công tác dịch vụ khách hàng có nhiều đổi mới, ngày càng hiện đại và thuận tiện; dịch vụ điện lực đạt cấp độ 4 về dịch vụ công trực tuyến, đã kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Chỉ số tiếp cận điện năng có bước tiến vượt bậc, xếp thứ 27/190 quốc gia, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ông Trương Thái Sơn, công nhân đội Quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 2009-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương những kết quả, thành tích Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển.
Phó Thủ tướng nêu rõ trong giai đoạn tới, ngành điện Việt Nam nói chung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng cần bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; qua đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Tập đoàn khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; thực hành tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả...
Từ đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh, với tầm nhìn trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực châu Á vào năm 2045.
Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo an ninh cung ứng điện, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước; vận hành an toàn, ổn định, tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng đất nước; đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện đồng bộ theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
Tập đoàn chú trọng thực hiện nhiệm vụ thị trường hóa giá điện nhằm khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện; thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác quản trị doanh nghiệp nhằm xây dựng các doanh nghiệp ngành điện lớn mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; có tiềm lực tài chính mạnh, tín nhiệm tài chính cao để có khả năng tự huy động vốn cho phát triển điện.
Phó Thủ tướng nêu rõ thực hiện tổng thể các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện, từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động ngành điện, xây dựng cơ chế tiền lương và thu nhập của lao động, chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp quy định của nhà nước.
Phó Thủ tướng tin tưởng ngành điện lực sẽ tổ chức thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 dự kiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2021; chung tay phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.