Trong các ngày 8 và 9/3, tại núi Cậu trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã xảy ra 3 đám cháy lớn gây thiệt hại hơn 4ha rừng tự nhiên.
Ngày 9/3, trên địa bàn các huyện Phù Yên, Bắc Yên, tỉnh Sơn La xảy ra cháy rừng và đã cháy lan sang rừng thuộc các xã Bản Mù, Làng Nhì, Tà Si Láng của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, trải dài trên 3km.
Tại xã Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi khu rừng tràm đang cho thu hoạch.
Trong khi đó, tại tỉnh Sơn La xảy ra vụ cháy rừng ở xã Suối Tọ, huyện Phù Yên trên diện tích khoảng 10km; còn ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Điện Biên rừng phòng hộ tự nhiên và rừng trồng thuộc địa phận cũng bị "bà hỏa" hỏi thăm.
Một đám cháy khác đã bùng phát tại khu vực bãi chăn thả gia súc thuộc địa bàn 2 bản Hua Rốm 1 và 2, giáp ranh hai xã Nà Tấu và Nà Nhạn (Điện Biên), sau đó đã cháy lan vào rừng. Đến thời điểm này vẫn chưa thống kê được hết thiệt hại.
Trước đó, ở rừng đặc dụng Copia nằm ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, sau đợt băng giá, mưa tuyết kéo dài khiến gần 4.000ha rừng bị ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt cây bị gãy đổ, bật gốc, rụng lá.
Đáng chú ý, trong tháng Hai, ở khu vực lân cận rừng đặc dụng Copia đã xảy ra 2 vụ cháy rừng gây thiệt hại khoảng 85ha rừng trồng.
Theo nhận định từ các địa phương, tình trạng cháy rừng có nguyên nhân do đợt rét kỷ lục hồi cuối tháng 1/2016. Hiện tượng băng giá khiến thảm thực vật chết, cây bị chết đứng, cành và lá rụng xuống tạo nên vật liệu cháy dày và dễ bắt lửa.
Trong khi đó, hiện đang là mùa nương rẫy, nhiều người dân địa phương vẫn đốt nương, đốt bãi chăn thả, thậm chí có người còn đốt lửa bừa bãi trong rừng chỉ để dồn săn thú.
Ở nhiều khu vực, do địa hình phức tạp cùng với thời tiết khô nóng nên lực lượng chức năng khó tiếp cận để chữa cháy và khiến đám cháy có nguy cơ lan rộng.
Hiện nay, mùa khô đang đến, thời tiết nóng, nắng hanh, độ ẩm hạ xuống rất thấp, nếu kèm thêm gió Lào và đốt nương rẫy của người dân thì nguy cơ cháy rừng là rất cao. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng giờ đây càng cấp thiết.
Nếu chính quyền địa phương không siết chặt công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân thì nguy cơ cháy rừng sẽ cao hơn.
Các địa phương vẫn thực hiện phương án “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống cháy rừng. Chính quyền trong vùng có rừng đặc dụng xây dựng phương án tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các địa phương huy động lực lượng làm đường băng cản lửa tránh nguy cơ lây lan cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, bảo vệ và sẵn sàng dập lửa khi xảy ra cháy.
Các cơ quan chức năng cần xây dựng tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có cháy rừng xảy ra.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động học sinh, các hộ gia đình không sử dụng lửa ở trong rừng.
Nếu ở những vùng mặt đất khu vực xảy ra cháy vẫn còn lưu lại nhiều bom đạn từ thời chiến tranh, địa phương cần chủ động chuẩn bị công tác dập lửa trong trường hợp ngọn lửa lan đến khu dân cư và trường học.../.