Báo Đức: Việt Nam là khu vực bùng nổ kinh tế mới

Bài báo viết "Việt Nam là một thị trường khổng lồ có tiềm năng và là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á."
Trang tin điện tử của tạp chí Tấm gương (Đức) ngày 15/8 đã đăng bài "Bùng nổ kinh tế ở Việt Nam" của phóng viên Jenni Roth, trong đó khẳng định Việt Nam là khu vực bùng nổ kinh tế mới của châu Á.

Trong con mắt nhà báo nước ngoài này, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác.

Theo tác giả bài báo, với chính sách Đổi mới từ năm 1986, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển và tới nay đã phát triển nhanh hơn hầu hết các nước khác ở Đông Nam Á.

Tác giả dẫn lời ông Oliver Massmann, một luật sư kinh tế của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam, nhận xét "Việt Nam là một thị trường khổng lồ có tiềm năng và là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á."

Luật sư này cho rằng nếu so sánh với Trung Quốc thì giá nhân công rẻ ở Việt Nam có khả năng cạnh tranh hơn nhiều.

Đối tác thương mại lớn nhất ở châu Âu của Việt Nam là Đức với hàng xuất khẩu là hồ tiêu, càphê, hàng may mặc. Theo Phòng Ngoại thương Đức ở Hà Nội, mức tăng trưởng thương mại hàng năm đạt hai con số.

Bên cạnh Siemens, còn có khoảng 220 doanh nghiệp Đức sản xuất tại Việt Nam, trong đó có chi nhánh của Adidas, Heidelberger Druck, Metro, Seidensticker, Van Laack, Triumph, Wiha, B. Braun, Bosch...

Bên cạnh đó, tác giả bài báo đánh giá Việt Nam có ưu thế nhân công trẻ, trong đó hơn 70% nhân công Việt Nam chưa tới 30 tuổi, trong khi mỗi năm có thêm một triệu nhân công tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn tồn tại một vấn đề là năng suất thấp, do có ít người Việt Nam được đào tạo tốt.

Một lợi thế khác của Việt Nam là nhiều chính sách đã được nới lỏng rõ rệt. Từ năm 2009, công ty nước ngoài đã được phép thuê đất sử dụng riêng.

Trong nhiều năm, các công ty nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ chỉ được phép mua cổ phần hoặc tham gia công ty liên doanh, giờ đây Bosch là công ty châu Âu đầu tiên có được giấy phép hoạt động đầy đủ. Đó là nhờ Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 và chính sách cải cách đã làm Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn.

Ngoài ra, các công ty châu Âu có thể hưởng lợi từ việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, khi mà Việt Nam vẫn còn yếu ở mặt này.

Trong khi đó, mạng Bousier.com ngày 16/8 đăng tin “Việt Nam là một trục phát triển quan trọng" của tập đoàn nước giải khát Mỹ PepsiCo, khi tập đoàn này vừa tuyên bố sẽ đầu tư vào Việt Nam 250 triệu USD trong 3 năm, trước hết để nâng công suất các nhà máy và cải tiến kỹ thuật.

Trong 2 năm qua, tập đoàn này cũng đã đầu tư xây dựng 2 nhà máy sản suất Pepsi ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục