Bảo hộ thương mại đe dọa công tác xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và quan điểm chống toàn cầu hóa đang đe dọa làm chậm lại những tiết bộ nhằm đạt được Các mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm xóa đói nghèo vào năm 2030.
Bảo hộ thương mại đe dọa công tác xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu ảnh 1Người dân tại Dikwa, Nigeria ngày 14/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và quan điểm chống toàn cầu hóa đang đe dọa làm chậm lại những tiến bộ toàn cầu về xóa đói giảm nghèo cũng như cải thiện an ninh lương thực.

Theo báo cáo về "Chính sách Lương thực Toàn cầu 2018" do Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) công bố ngày 20/3, quan điểm chống toàn cầu hóa được mô tả như một hiện tượng đang ảnh hưởng tới một thế giới phát triển, nó có thể tác động xấu tới cuộc sống của hàng triệu người tại các nước đang phát triển.

Báo cáo cho rằng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của các nước phát triển, đặc biệt việc trợ giá nông sản và thuế cao, sẽ làm suy yếu giá hàng hóa nông nghiệp toàn cầu cũng như không khuyến khích việc sản xuất tại các quốc gia đang phát triển với những hậu quả khôn lường đối với an ninh lương thực và phát triển nông thôn.

[G20 quyết tâm ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại]

Phát biểu trước báo giới, Tổng Giám đốc IFPRI Shenggen Fan khẳng định: "Những chính sách kéo tụt lùi các hệ thống toàn cầu mở hiện nay đang đe dọa làm chậm lại những tiết bộ nhằm đạt được Các mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm xóa đói nghèo vào năm 2030.

Hợp tác toàn cầu nhằm đưa ra những chính sách thúc đẩy lợi ích của toàn cầu hóa song song việc giảm thiểu những rủi ro sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu an ninh lương thực và dinh dưỡng một cách bền vững."

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Washington đang xem xét kế hoạch tăng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, chính sách đang làm gia tăng lo ngại đẩy căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà nghiên cứu cấp cao, đồng thời là chuyên gia kinh tế kỳ cựu thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, ông Joseph Glauber cho rằng những tranh cãi thương mại nên được giải quyết thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chứ không phải thông qua các biện pháp đơn phương.

Ông Joseph Glauber cảnh báo bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại nào cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục