Bạo lực xã hội dưới góc nhìn của các nhà văn Á-Phi

Theo nhà văn Lê Minh Khuê, với tư cách là người cầm bút, các nhà văn cần đi sâu khai thác và thể hiện khát vọng tự do của con người.
Vai trò của nhà văn trong việc đấu tranh chống bạo lực xã hội là một trong những vấn đề trọng tâm được các đại biểu đưa ra bàn luận tại hội thảo bàn tròn “Vai trò của nhà văn Á-Phi trong thời đại toàn cầu hóa” được tổ chức sáng nay, 26/8, tại Hà Nội. Buổi hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Á-Phi phối hợp tổ chức. 11/15 thành viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Á-Phi đã tham dự hội thảo. Trong phát biểu khai mạc, ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Thế hệ các nhà văn có mặt ngày hôm nay đã được chứng kiến nhiều sự biến đổi lớn của khu vực châu Á, châu Phi trong thế kỷ 20. Nhiều dân tộc Á-Phi từ việc bị thôn tính, đô hộ đã giành được độc lập; từ ‘thân phận’ bị phụ thuộc đã vươn lên, tham gia vào diễn trình văn hóa thế giới với vai trò chủ thể sáng tạo. Tuy nhiên, các vấn đề bạo lực hiện vẫn tồn tại ở nhiều  quốc gia dưới những hình thức phức tạp (chiến tranh, can thiệp nội bộ…).” Cùng bàn về vấn đề này, ông Ali Javed-Chủ tịch Hội Nhà văn Á-Phi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội nhà văn tiến bộ Ấn Độ cho rằng: “Đó là vấn đề không tốt lành đối với toàn nhân loại. Bạo lực không phải là giải pháp cho những vấn đề của thế giới hiện nay.” Theo ông Ali Javed, nền văn minh của nhân loại chỉ có thể được bảo vệ, duy trì và phát triển "dựa trên triết lý của lòng khoan dung và sự tôn trọng đối với người khác. Triết lý của lòng hận thù và sự bá quyền phải bị từ chối ở mọi cấp độ,” Chủ tịch Hội Nhà văn Á-Phi nhấn mạnh. Chia sẻ với quan điểm của các đồng nghiệp đến từ các quốc gia Á-Phi, nhà văn Lê Minh Khuê (Việt Nam) bày tỏ, để có được hòa bình như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam cũng đã phải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Bởi thế, “nhân dân Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập, tự do. Với tư cách là người cầm bút, các nhà văn cần đi sâu khai thác và thể hiện sinh động khát vọng tự do của con người,” nữ nhà văn này phát biểu. Xuất phát từ những lý do đó, ông Ali Javed-Chủ tịch Hội Nhà văn Á-Phi kêu gọi các nhà văn: “Hãy dùng sức mạnh ngòi bút của mình để bảo vệ hòa bình và tình anh em quốc tế; hãy nói không với chiến tranh, với sự hận thù tôn giáo và sắc tộc.” Cũng trong buổi sáng hôm nay, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Ai Cập đã ký kết văn bản hợp tác chính thức, nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia. Theo ông Hữu Thỉnh, Hội Nhà văn Ai Cập là hội nhà văn thuộc một quốc gia châu Phi đầu tiên mà Hội Nhà văn Việt Nam chính thức ký kết văn bản hợp tác. “Điều này sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ giao lưu, trao đổi văn hóa, văn học giữa hai quốc gia,” Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phân tích./.
Từ ngày 25-30/8, Hội nghị Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á-Phi lần thứ I diễn ra tại Hà Nội và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là hội nghị lần đầu tiên sau Đại hội thành lập Hội Nhà văn Á-Phi (diễn ra vào tháng 12/2012 tại Thủ đô Cairo-Ai Cập), với 14 đại biểu là các ủy viên Ban chấp hành và các thành viên phụ trách 6 tiểu ban, đại diện cho các nhà văn đến từ hơn 50 quốc gia châu Á và châu Phi.

Trước đó, Hội Nhà văn Á-Phi đã từng được thành lập từ năm 1957, là một đơn vị thuộc Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Á-Phi. Tuy nhiên, năm 1987, Hội Nhà văn Á-Phi ngừng hoạt động sau khi Liên Xô tan rã.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục