Theo báo Sankei (Nhật Bản), trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xác định được rằng liên minh này sẽ duy trì và thực hiện nghiêm lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc mà Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng từ năm 1989. Đây là việc đương nhiên.
Dư luận gần đây lo ngại việc một doanh nghiệp của Pháp đã bán cho Trung Quốc thiết bị đặc thù sử dụng cho bãi đỗ trực thăng trên tàu chiến. Thiết bị này có khả năng được sử dụng cho tàu hải giám Trung Quốc đang liên tục xâm phạm lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku.
Phía Pháp cho rằng thiết bị này không phục vụ cho mục đích quân sự, nhưng việc làm này có nguy cơ làm suy yếu hoặc đổ vỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc. Mong rằng phía Pháp sẽ tiếp nhận mối quan ngại của Nhật Bản một cách nghiêm túc.
Cuộc hội đàm với EU lẽ ra được thực hiện khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu thăm Nhật Bản, nhưng chuyến thăm đã bị hoãn do cuộc hủng hoảng tài chính ở Síp. Thủ tướng Abe đã thay thế bằng cuộc điện đàm trên và báo Sankei hoan nghênh việc sớm gửi một bức thông điệp tới Trung Quốc.
Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Abe đã ngăn cản việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc. Ông Abe nói rằng “môi trường an ninh Đông Á đang gia tăng căng thẳng.” Chủ tịch Van Rompuy đã trả lời rằng “không có chuyện thay đổi lập trường của EU”.
Để kiềm chế việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc và bảo vệ quần đảo Senkaku, việc hợp tác với EU, liên minh có chung quan niệm về tôn trọng nhân quyền, là quan trọng. Khuynh hướng bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc bắt đầu từ năm 2003 đến năm 2008 với vai trò trung tâm của Pháp và Đức, nhưng Nhật Bản và Mỹ đã thuyết phục và gây sức ép chặn đứng khuynh hướng này. Xét đến tình trạng nhân quyền hiện nay ở Trung Quốc, việc tiếp tục duy trì cấm vận vũ khí là đương nhiên.
Trung Quốc, nước đang tìm cách mở rộng lợi ích biển, rất mong muốn có những vũ khí hiện đại nhất của EU. Đối với EU, Trung Quốc không chỉ là một thị trường vũ khí, mà còn có sức hấp dẫn của một thị trường lớn đối với các mặt hàng khác.
Cùng với Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA), Nhật Bản và EU cũng đang hướng tới thỏa thuận về một hiệp định chính trị bao gồm hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Trong hiệp định chính trị này cần phải nêu rõ việc tiếp tục cấm vận xuất khẩu vũ khí đối với Trung Quốc.
Trong quá khứ, Pháp từng bán cho Nga tàu đổ bộ bất chấp sự quan ngại của Mỹ và Nhật Bản. Nga đã tuyên bố sẽ triển khai tàu đổ bộ này tại khu vực Viễn Đông. Nhật Bản muốn Pháp tự nhận thức rõ về mối đe dọa đối với lãnh thổ Nhật Bản do việc xuất khẩu vũ khí gây ra. Khác với Mỹ, nước tiếp giáp với Thái Bình Dương, khu vực Đông Á bao gồm cả Trung Quốc là một thực thể ở xa nếu nhìn từ châu Âu. Chính phủ Nhật Bản cần phải nỗ lực để EU hiểu về mối đe dọa từ Trung Quốc thông qua đàm phán hướng tới hiệp định chính trị./.