Ninh Thuận là địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống ở cả vùng núi, vùng bằng và vùng biển. Sự đa dạng đó đã gắn liền với nhiều loại hình di sản vật thể và phi vật thể phong phú và độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Kinh; Chăm; Raglai...
Để khai thác tiềm năng trên, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Giàu bản sắc di sản
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có tổng số 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, gồm các loại hình: Đình làng; chùa; miếu; nhà thờ; lăng (lăng thờ cá Voi/cá Ông); tháp Chăm; thánh đường Hồi giáo; đền thờ của người Chăm; phế tích, bia ký Chăm; di tích lịch sử cách mạng; danh lam thắng cảnh...
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến nay, Ninh Thuận đã có 64 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Cụ thể, có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai; 17 di sản cấp quốc gia, trong đó có 12 di tích, 5 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc; Lễ hội Katê của đồng bào Chăm; Lễ Bỏ mả của người Raglai; Lễ Cầu ngư của ngư dân ven biển tỉnh Ninh Thuận và Danh lam thắng cảnh quốc gia Vịnh Vĩnh Hy.
[Du lịch tỉnh Ninh Thuận: Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt]
Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có 44 di tích cấp tỉnh và 41 di tích là các đình, đền, lăng, miếu khác. Đặc biệt, Ninh Thuận cũng được vinh danh là một trong số 21 tỉnh, thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngoài các di tích, di sản đã được xếp hạng và công nhận ở các cấp, Ninh Thuận còn có hệ thống các lễ nghi, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn; Tết Cổ truyền Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni; nghệ thuật làm gốm truyền thống; nghề dệt thổ cẩm truyền thống; nghề làm thuốc Nam của người Chăm; lễ Bỏ mả với nghệ thuật trình diễn mả la của người Raglai; lễ hội cầu ngư (với các hoạt động hát tuồng, hát lăng, đua thuyền rồng, lễ xuất quân đánh bắt đầu năm, nghinh ông cầu mùa) của ngư dân vùng ven biển… Đó là vốn quý về văn hóa, tô đậm thêm bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của tỉnh Ninh Thuận.
Tạo đà cho du lịch văn hóa phát triển
Để phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, những năm qua, việc sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc đã được tỉnh quan tâm, chỉ đạo và từng bước tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả như: Tổng kiểm kê di sản; đầu tư nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo; phát triển hạ tầng gắn liền với hệ thống di sản, di tích, danh lam thắng cảnh; triển khai sưu tầm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc Kinh, Chăm, Raglay... phục vụ cho phát triển du lịch.
Đồng thời, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm bảo tồn, trùng tu đảm bảo sự tồn tại lâu dài của di tích. Một số lễ hội, di tích được nâng tầm giá trị, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Katê gắn với không gian đền tháp Chăm; hệ thống nhà sàn, đặc sản rượu cần, sản phẩm thủ công truyền thống như nỏ, gùi... của người Raglai đã dần định hình, tạo thêm nhiều không gian và sản phẩm du lịch cho tỉnh Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ trình các cấp thẩm quyền xếp hạng di tích, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng đã ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030; đồng thời xác định “Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.”
Ông Nguyễn Long Biên nhấn mạnh: Để tạo đòn bẩy cho du lịch văn hóa phát triển trong giai đoạn mới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng sẽ tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để thu hút nguồn lực tham gia vào du lịch cộng đồng, nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống và qua đó hạn chế các tác động của cộng đồng đến tài nguyên, môi trường, góp phần cho phát triển du lịch bền vững tại Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí gắn với xã hội hóa để huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch. Ninh Thuận phát huy vai trò của hệ thống thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật Di sản văn hóa đến từng người, từng gia đình và cộng đồng xã hội.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với sự quyết tâm đưa ngành du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Ninh Thuận đã và đang cố gắng phát huy nội lực; đồng thời tạo cơ chế chính sách khuyến khích mở rộng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2025./.